Cẩn trọng với những bài thuốc không rõ nguồn gốc
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đi lại khám chữa bệnh của người dân càng khó khăn, thay vào đó là sự phát triển của bán hàng qua mạng (online), tạo điều kiện thuận lợi cho các thuốc đông y không rõ nguồn gốc nở rộ. Thực trạng này vừa gây họa cho người bệnh, vừa làm khó cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
Nguy kịch vì thuốc không rõ nguồn gốc
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đơn vị này vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 80 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Khai thác thông tin từ thân nhân người bệnh cho biết, cụ ông gặp chứng đau khớp, mất ngủ kéo dài nên được người cháu mua thuốc cho uống.
Nhãn loại thuốc mà bệnh nhân uống có ghi “Thuốc gia truyền chủ trị nhức mỏi, đau lưng, tê bại, thấp khớp, thần kinh tọa, đau thận, ăn được, ngủ được”, thành phần gồm: Quế khâu, cam thảo, nhân trần, táo tào, nghinh hương... Uống được vài ngày, người bệnh run chân tay, nôn mửa, choáng váng, mệt mỏi, toát mồ hôi, tiểu ít, huyết áp tụt.
Xét nghiệm gói thuốc cụ ông dùng cho thấy có chứa paracetamol (một loại thuốc giảm đau hạ sốt hay dùng) với hàm lượng cao, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy gan thận của bệnh nhân.
Một trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (72 tuổi, Bắc Giang) được chẩn đoán đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit máu nhưng không uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà nghe theo lời giới thiệu của hàng xóm để mua thuốc nam không rõ nguồn gốc về uống. Sau khi uống thuốc được 10 ngày, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt tăng dần, đầy tức bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm gan - viêm thận cấp và ngộ độc thuốc nam. Kết quả của Viện Pháp y Quốc gia trên mẫu thuốc nam bệnh nhân gửi đến phát hiện có chất paracetamol được trộn lẫn vào thuốc.
Đây là hai trong nhiều bệnh nhân dùng thuốc “trôi nổi”, không được kiểm định, phải cấp cứu tim mạch kèm các tổn thương suy gan, thận, mà các bác sĩ tiếp nhận gần đây. Bệnh nhân vào viện đều trong tình trạng rất nặng ở cả tim, gan, thận, cần các biện pháp can thiệp tích cực mới cứu được tính mạng.
Theo BS Lưu Quang Minh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Với quan niệm thuốc đông y làm từ thảo dược, người bệnh có xu hướng dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc, dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương hệ nội tiết cùng các cơ quan khác một cách âm thầm, mạn tính, thậm chí có thể không bao giờ phục hồi.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường tràn lan những loại thuốc được quảng bá “gia truyền”, “nhà tôi ba đời chữa bệnh”, “chữa bách bệnh” mà không cần phải khám bệnh trực tiếp. Những loại thuốc này, thành phần có chứa các loại thuốc giảm đau chống viêm, thường chỉ làm thuyên giảm các triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên, gốc rễ của bệnh. Vì vậy, dùng các loại thuốc này sẽ không phù hợp với thể trạng cụ thể của từng người bệnh.
Đặc biệt, những loại “đông y gia truyền chữa bách bệnh” này thường trộn thêm các thuốc tây thế hệ cũ của 20-30 năm trước với rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí hiện bị cấm sử dụng, do vậy dễ dẫn đến ngộ độc cho người dùng lâu dài.
- BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân khi có bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền tai/mách bảo nhau, thuốc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất, tật mang”.
Gánh hậu quả khi tin theo lời khuyên trên mạng
Theo TS Lê Hồng Quang, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đợt dịch Covid-19 này, số trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến bệnh viện có xu hướng gia tăng. Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội, chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và được chẩn đoán là mắc tim bẩm sinh nặng.
Một trường hợp điển hình đang điều trị tại Khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé gái K.N. (10 tháng tuổi, Vĩnh Phúc).
Theo lời kể của gia đình, từ khi sinh ra thấy trẻ nhẹ cân, thấp còi hơn những trẻ cùng trang lứa nhưng gia đình không cho con đi khám. 4 ngày trước khi nhập viện trẻ xuất hiện tình trạng ho, sốt, khò khè tuy nhiên lo sợ dịch bệnh Covid-19 và nghĩ trẻ ốm, mệt thông thường nên gia đình tự mua thuốc điều trị theo lời khuyên trên mạng xã hội tại nhà mà không cho trẻ đi khám.
Sau 4 ngày điều trị tại nhà, khi thấy trẻ sốt cao kèm khó thở, tím tái thì gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để thăm khám và điều trị. Tại đây trẻ được các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, tim bẩm sinh. Hiện trẻ vẫn phải thở máy, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao do trẻ nhập viện muộn, quá thời điểm vàng để phẫu thuật.
“Nếu bệnh nhi được gia đình đưa đi khám sớm sẽ phát hiện ra bệnh tim bẩm sinh, thì bệnh nhi sẽ được điều trị can thiệp, phẫu thuật sớm, đúng thời điểm bệnh tim bẩm sinh sẽ khỏi hoàn toàn, mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho trẻ” - BS Quang chia sẻ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc đi đến nơi đông người, tụ tập khi không có việc cần thiết đều được khuyến cáo là hạn chế trong thời gian dịch bệnh nhưng không có nghĩa là bệnh nhân không nên đến bệnh viện để khám bệnh. Cha mẹ cần chủ động theo dõi và nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ, nên chủ động đưa trẻ đi khám kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất.
Không vì lo lắng dịch bệnh mà chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện, cũng như không nên tin dùng các bài thuốc, lời khuyên không có cơ sở trên mạng để gặp những hậu quả đáng tiếc.