Kịch bản hồi phục tăng trưởng

THANH GIANG 07/10/2021 13:40

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi “bão Covid-19” nhưng nền kinh tế vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2021 cũng như năm 2022. Vấn đề còn lại, cần những  giải pháp đồng bộ để vực dậy nền kinh tế.

GDP giảm mạnh

Kinh tế vùng Đông Nam bộ, điển hình như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai giảm sâu vì giãn cách xã hội. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng bị ảnh hưởng mạnh không kém khi 90% doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng. Trong khi đó tổng sản phẩm nội địa (GDP) của 19 tỉnh, thành phía Nam chiếm 45% cả nước.

Do dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Các ngành quan trọng như: công nghiệp chế biến, xây dựng, vận tải, thủy sản, thương mại,… đều giảm trong quý 3. Đơn cử, 2 nhóm ngành thương mại và công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh cũng tác động mạnh lên ngành bán lẻ. Mua sắm ở kênh truyền thống gần như “đóng băng”.

Kinh tế cả nước ảnh hưởng vì dịch bệnh Covi-19 nên GDP sụt giảm mạnh. GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. “Lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm đến 6,17%. Con số âm sâu như vậy ít ai nghĩ tới.

TP HCM và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới 2 con số. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ quan ngại.

Nhiều dư địa hồi phục tăng trưởng

Một số chỉ số của nền kinh tế đi xuống, tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm sáng. Theo ông Lộc, sự suy giảm GDP trong quý III chỉ là nhất thời. GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Có thể không đạt được mục tiêu 3,5 - 4% như dự kiến. Thế nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV này và trong năm 2022, đà tăng trưởng sẽ hồi phục. Vì vậy, mở cửa nền kinh tế chính là “cỗ máy trợ thở” tốt nhất hiện nay.

Có phần lo lắng khi nền kinh tế sụt giảm, song ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 cũng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhưng vẫn khá lạc quan. Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế trường Chính sách công và Quản lý Fullbright Việt Nam cho rằng, các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định. Cụ thể, lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2021 là 1,82%, trong khi đó ở giai đoạn 2011-2015 là 7,82%; giai đoạn 2016-2020 là 3,15%. Thị trường ghi nhận, giá một số mặt hàng có tăng nhưng tính chung rổ hàng lại không cao. Cán cân quốc tế vẫn thặng dư, tiền FDI vào trong nước cao hơn tiền chảy ra. Chưa dùng dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế…

“Mở cửa và thích ứng an toàn từ tháng 10 thì tăng trưởng quý IV đạt khoảng 3,5%, cả năm dự báo sẽ ở mức 2,1%. Đến năm 2022, tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn hẳn khi thị trường nội địa và xuất khẩu cùng tăng trưởng nhanh” - ông Thành dự báo.

Để hoạt động sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Thành cho rằng: “Mở cửa là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế lúc này. Kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong quý IV. Vấn đề còn lại phải thích ứng an toàn và phát triển bền vững cùng những chính sách đi kèm”. Vị chuyên gia này cho rằng, không thể ngừng hỗ trợ cho người dân, DN. Cần thiết nhất là phải đồng hành, thực hiện song song chính sách về tiền tệ và tài khóa.

Đưa ra kịch bản mang tính dài hơi, ông Lộc nêu quan điểm, phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh. Các biện pháp hỗ trợ không chỉ cứu các DN khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và DN có tiềm năng phát triển.

“Chúng ta chờ đợi cuốn cẩm nang hướng dẫn “sống chung với Covid”, chờ đợi bản kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, mỗi địa phương, DN hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, DN.

Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành đã xây dựng kịch bản và triển khai mở cửa nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.

THANH GIANG