Tìm hướng tái khởi động du lịch
Áp lực tái khởi động các hoạt động du lịch cũng chính là động lực để ngành “công nghiệp không khói” sớm phục hồi. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả là vô số những thách thức.
Xây dựng lộ trình
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức buổi họp trực tuyến với lãnh đạo các Sở quản lý du lịch của 25 tỉnh, thành phố về việc tái khởi động ngành du lịch.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, về việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch tái khởi động du lịch nội địa, trong tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn.
Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro.... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch - Điểm đến an toàn (các yêu cầu liên quan về tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/xét nghiệm nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID).
Còn với việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, kịch bản giai đoạn thí điểm sẽ diễn ra từ tháng 10/2021 đến 3/2022. Trong đó, đối tượng khách du lịch quốc tế sẽ hướng đến các thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt như Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Úc…
Trong quá trình triển khai và đánh giá hiệu quả việc đón khách sẽ có những điều chỉnh mô hình thí điểm phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Tiếp đó, từ tháng 12/2021 đến 6/2022 sẽ mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm Phú Quốc, nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ tháng 6/2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế.
Nhiều thách thức trước mắt
Mặc dù việc khởi động đang được triển khai khá đồng bộ, tuy nhiên theo ý kiến của đại diện quản lý ngành du lịch của các địa phương để triển khai được hiệu quả là vô số những thách thức.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Thu Hiền cho biết, tỉnh dự kiến triển khai đón khách đến các cơ sở an toàn phòng, chống dịch và triển khai theo hình thức khép kín. Doanh nghiệp đón khách lên xe riêng, đi theo đường cao tốc, đến các khu resort an toàn ở những nơi tách biệt với người dân như ở huyện Xuyên Mộc, Côn Đảo…
Tuy nhiên, theo bà Hiền, vấn đề khó khăn là lao động du lịch tại địa phương được tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn ít, mới chỉ có khoảng 50% lao động được tiêm ngừa mũi 1 và khoảng 8% được tiêm ngừa mũi 2. Chưa kể, nhân lực lao động du lịch cũng đang rất khó khăn, vì dịch bệnh, một lượng lớn người lao động đã về quê, chuyển ngành.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, hiện nay là du lịch còn gặp khó khăn do quy định đi lại, “thẻ xanh”, cách ly phong toả tại các địa phương khác nhau. Nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn thấp, chưa mạnh dạn mở cửa và vẫn chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi. Các doanh nghiệp còn e ngại về tính hiệu quả, nhất là về doanh thu khi chưa có nhiều khách…
Cũng theo bà Hạnh, để tái hoạt động du lịch hiệu quả, cần sớm ban hành khung tiêu chuẩn về thẻ xanh cho khách nội địa, hộ chiếu vaccine với khách quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo “thẻ xanh” bằng QR code tạo thống nhất chung cho các địa phương.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế ban hành áp dụng tiêu chuẩn chung trong phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là trong quy định về cách ly, phong toả để cho doanh nghiệp và khách nắm rõ, yên tâm đi du lịch. Cẫn hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch trở lại, triển khai bảo hiểm Covid-19 cho khách nội địa.
Còn Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, một số địa phương xây dựng tiêu chí du lịch an toàn nhưng doanh nghiệp sẽ gây khó khăn triển khai khi tiêu chí của các địa phương đang không thống nhất.
Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về “thẻ xanh” (dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine) và “thẻ vàng” (dành cho người tiêm 1 mũi vaccine) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về “hộ chiếu vaccine” để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.
Trước những phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xúc tiến quảng bá, triển khai sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch. Trong đó việc kích cầu không đồng nghĩa với giảm giá sản phẩm dịch vụ mà cung cấp đa dạng các tiện ích, trải nghiệm phục vụ khách. Các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, ông Việt đề nghị Tổng cục Du lịch rà soát, cập nhật, bổ sung các tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực du lịch và tiêu chí đón khách du lịch nội địa.
“Ngành du lịch các địa phương căn cứ Kế hoạch 3228 của Bộ tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy các nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị tốt cho lộ trình phục hồi đã đề ra” - theo ông Việt.