Giá kit giảm, chi phí xét nghiệm vẫn cao 'ngất ngưởng' do đâu?

Minh Thư 07/10/2021 14:04

Giá hầu hết các loạt kit test nhanh Covid-19 gần đây liên tục giảm mạnh tuy nhiên chi phí xét nghiệm vẫn còn khá cao là điều đang nhận được sự quan tâm không nhỏ từ dư luận.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: TTXVN

Giá kit giảm nhưng xét nghiệm vẫn cao

Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 97 loại kit trong đó 35 kit xét nghiệm PCR, 39 kit xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm) và 23 kit xét nghiệm kháng thể.

Số kit nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, số ít từ một số nước châu Âu như Đức, Pháp...

Từ đầu tháng 7, số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu kit test Covid-19 tăng nhanh từ 2 lên 25 đơn vị.

Bên cạnh đóm nhiều đơn vị trong nước cũng sản xuất được kit test Covid-19 khiến giá thành mặt hàng này giảm sâu từ vài chục nghìn tới gần cả trăm nghìn đồng tuỳ loại.

Theo giá công khai của các doanh nghiệp nhập khẩu kit test nhanh kháng nguyên công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế, Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device ngày 20/9 là 125.000 đồng một test, giảm gần 40% so với giá công bố ngày 8/9.

Standard Q Covid-19 Ag Test hồi cuối tháng 9 cũng giảm trên 30% so với tháng 7, về mức 158.550 đồng một test.

BioCredit Covid-19 Ag, ngày 20/9 có giá là 130.000 đồng một test, giảm 45.000 đồng mỗi test so với 11/9....

Mặc dù giá kit liên tục giảm nhưng chi phí xét nghiệm chưa được giảm tương ứng khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Giá xét nghiệm vẫn ở mức khá cao khiến cho những địa phương phải sử dụng nhiều kit xét nghiệm khi truy vết F0 cộng đồng, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất theo phương thức "ba tại chỗ" phải tốn khoản chi phí không nhỏ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giá kit test nhanh vào khoảng 80.000-90.000 đồng một test nhưng mức chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 ở thời điểm tháng 9 là 270.000-280.000 đồng, gấp 3 lần giá kit.

Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp phải chi thêm 3 triệu đồng một lao động, trong đó 70% là chi phí xét nghiệm.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng “loạn” giá xét nghiệm. Giá xét nghiệm test nhanh và Real-time RT - PCR mỗi nơi niêm yết một giá khác nhau, không có mức cố định. Giá xét nghiệm PCR dao động từ 850.000 đến 1,6 triệu đồng/lần/người, trong khi test nhanh rơi vào khoảng từ 170.000-300.000 đồng.

Bộ Y tế nói gì?

Trước những băn khoăn của dư luận xã hội về giá xét nghiệm Covid-19 đang ở mức cao và tính minh bạch về giá của các loại xét nghiệm, "chi phí xét nghiệm" sẽ gồm giá của các kit, vật tư xét nghiệm và chi phí thực hiện xét nghiệm.

Các doanh nghiệp cung ứng kit sẽ phải công khai giá sinh phẩm này trên cổng thông tin của Bộ. Điều này vừa giúp công khai, minh bạch giá kit đồng thời nhằm "tạo cạnh tranh giá giữa các đơn vị".

Phía Bộ thông tin thêm, không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau. Nguyên nhân là vì giá các loại test xét nghiệm phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Về chi phí xét nghiệm, trước ngày 1/7/2021, Bộ Y tế quy định mức giá 238.000 đồng một mẫu test nhanh và 734.000 đồng một mẫu PCR. Giá này đã gồm chi phí nhân viên phục vụ, vật tư tiêu hao đi kèm, giá kit test...

Sau ngày 1/7, mức giá khung 238.000 đồng và 734.000 đồng này không còn phù hợp, "chi phí xét nghiệm" sẽ theo hình thức "thực thanh, thực chi".

Các khoản chi phí bao gồm: nhân viên, vật tư tiêu hao đi kèm,.. không thu của người dân mà lấy từ kinh phí chống dịch của địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc, chi phí xét nghiệm sẽ bằng với chi phí giá kit test.

Tuy vậy, trong văn bản phát đi cuối tháng 9 về chấn chỉnh chi phí xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế cũng thừa nhận một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về mức giá, chi trả xét nghiệm Covid-19. Giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao đã gây bức xúc trong dư luận.

Trước thực trạng này, Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Để đưa chi phí xét nghiệm về mức ổn định hơn, Bộ Y tế cho biết đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi phí xét nghiệm Covid-19.

Cụ thể, mức giá xét nghiệm Covid-19 gồm chi phí kit test (xác định qua đấu thầu) và chi phí lấy mẫu, bảo quản, nhân công (32.000-67.000 đồng một xét nghiệm). Nếu có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán 80%.

Theo một số chuyên gia, giá kit test nhanh được các địa phương, cơ sở y tế xác định thông qua đấu thầu cũng chưa thể đảm bảo công khai, minh bạch. Do đó, giải pháp căn cơ là đưa kit test nhanh vào diện "bình ổn giá". Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012; Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ ngày 14/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, “sản phẩm test nhanh Covid -19” hiện không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012, theo đó sẽ phối hợp với Bộ Y tế cũng như các Bộ, ngành có liên quan đánh giá, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giá năm 2012 trong đó rà soát bổ sung các mặt hàng Nhà nước quản lý theo trình tự, thủ tục quy định, phù hợp yêu cầu quản lý và thực tiễn phát sinh.

Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất việc này và phối hợp với Bộ Tài chính để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Minh Thư