Không cần tiền mặt, Mobile Monney có thể thanh toán được mớ rau, con cá, trà đá vỉa hè?
Thủ tục cấp giấy phép thí điểm Mobile Money đang được hoàn tất để cấp phép trong tháng 10. Vậy Mobile Money là gì?. Dịch vụ này có những tiện ích, hạn chế, rủi ro như thế nào?
Mobile Money là gì?
Bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Tức là, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (theo Quyết định cho phép thí điểm Thủ tướng vừa ban hành, là các nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.
Tiền trong tài khoản Mobile Money gắn với SIM nhưng phải tách biệt với tài khoản viễn thông, bởi tài khoản viễn thông thực tế còn có thêm khoản khuyến mại, nếu cho phép sử dụng để thanh toán sẽ không đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi tỷ lệ 1:1.Hình thức này tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.
Nói cách khác, người dùng không thể quy đổi số dư trong tài khoản viễn thông sang tài khoản thanh toán này. Khách hàng sẽ không được trả lãi với số dư để trong tài khoản thanh toán Mobile Money.
Ngoài ra, toàn bộ tiền trong tài khoản Mobile Money của nhà mạng phải được mang bảo đảm tại ngân hàng, và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán.
Bình luận về việc Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho hay, người dân rất khó tiếp cận với phương tiện thanh toán điện tử qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân.
Mobile Money thanh toán được những gì?
Trong 3 nhà mạng được cấp phép Mobile Money, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, đại diện VNPT khẳng định hiện công ty này đã sẵn sàng về các phương diện: công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ Mobile money trên toàn quốc ngay khi được cấp phép.
“Mạng lưới hơn 1.000 điểm giao dịch VNPT hiện đã phủ rộng toàn quốc và đến cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… VNPT định hướng tiếp tục mở rộng hơn nữa số lượng các điểm giao dịch, điểm kinh doanh (chấp nhận thanh toán) của các đối tác và các điểm kinh doanh cá thể để khi dịch vụ được cấp phép. VNPT có thể mang Mobile Money tới với người dân trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất”, đại diện nhà mạng này khẳng định.
Còn đại diện nhà mạng Viettel khẳng định, với hạ tầng sẵn có của Viettel sẽ có 80 nghìn điểm nạp tiền cho Mobile Money. “Hạ tầng chúng tôi phủ rộng khắp cả nước, có thể ra ngõ sẽ gặp cây nạp tiền Mobile Money của Viettel”, đại điện nhà mạng này nói.
Song song với ví điện tử và thẻ ATM là phương thức thanh toán hiện hành, đại diện các nhà mạng cho biết hệ thống thanh toán được tất cả các dịch vụ mà ví điện tử đang có như tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, vé máy bay, tàu hoả, vé xem phim…Ngoài ra, với Mobile Money có thể thanh toán thuận tiện ở những khoản nhỏ và siêu nhỏ.
Vậy Mobile Money có thể trả tiền mớ rau, con cá hay cốc trà đá vỉa hè, PV Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi?. Trả lời thắc mắc này, đại diện công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money của nhà mạng Viettel khẳng định hoàn toàn có thể.
“Nếu bà chủ quán trà đá cài đặt Mobile Money thì khách hàng quét mã QR của người bán, mã này thường được in và nhìn thấy khi thanh toán, trên bàn nhà hàng và thậm chí trên các sản phẩm ở một số cửa hàng. Sau đó khách hàng chọn số tiền và có thể gửi tiền trực tiếp cho người bán”, đại diện Viettel cho biết.
Còn đại diện VNPT khẳng định, những tiện ích có thể nhìn ngay thấy trước tiên là Mobile Money giúp người dân thanh toán linh hoạt những sản phẩm dịch vụ tài chính, thanh toán tiền trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, an sinh xã hội,... với giá trị nhỏ.
Hạn chế và rủi ro khi áp dụng Mobile Money tại Việt Nam
Một trong những điểm hạn chế lớn nhất của Mobile Money khi được áp dụng tại Việt Nam là giới hạn số tiền thanh toán trong vòng một tháng chỉ 10 triệu đồng. Ngay cả các nhà mạng và các chuyên gia tiêu dùng cho rằng, số tiền này quá ít và sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người tại các đô thị lớn.
Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại khi triển khai Mobile Money sẽ có nhiều rủi ro: thứ nhất liên quan đến kỹ thuật, có thể trục trặc khi chuyển tiền. Thứ hai là nhà mạng có thể sử dụng tiền trong tài khoản Mobile Money của khách hàng để sử dụng cho mục đích khác, vì thế cần có cơ chế kiểm soát chặt vấn đề này. Thứ ba là vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu khách hàng. Thứ tư là dù nguy cơ nhỏ nhưng cũng có thể phát sinh các vấn đề như sử dụng để đánh bạc online, rửa tiền...