Tiếng Việt ở Ukraina

Tuệ Phương 07/10/2021 17:10

Đã có quãng thời gian, vì cuộc mưu sinh, nhiều gia đình người Việt ở Ukraina không thực sự chú tâm đến dạy tiếng Việt cho con em mình.

Được học ở những trường học bản địa, giao tiếp trong môi trường xã hội Ukraina, trẻ em gốc Việt “sành” tiếng Ukraina là lẽ đương nhiên. Nhưng những năm gần đây, điều này đã thay đổi. Tiếng Việt, “tiếng của người mình” đã được trân trọng hơn, những lớp học tiếng Việt thường xuyên được tổ chức ở các thành phố lớn như: Kharkov, Odessa...

Khai giảng lớp học tiếng Việt tại làng Staritskogo (Ukraine).

Staritskogo là một khu dân cư nơi tập trung nhiều người Việt Nam sinh sống tại thành phố Odessa, Ukraina. Như nhiều khu dân cư khác của người Việt ở đất nước Đông Âu xinh đẹp này, mỗi khi người Việt “tụ cư”, người ta thường đặt tên cho khu dân cư của mình bằng cái tên thân thương đem đi từ quê nhà đó là tên “làng”. Mới chưa đầy 10 năm tuổi, nhưng làng Staitskogo đã có tiếng về phong trào dạy và học tiếng Việt. Đầu tháng 9 vừa qua, một lớp học tiếng Việt đã được khai giảng trong ngôi làng Staitskogo. Tất cả những ai có mặt tại lễ khai giảng đều có một niềm xúc động khó tả. Lần đầu tiên, lớp học thu hút khoảng 40 em. Con số chưa phải là lớn, nhưng nếu biết rằng, trong những năm qua, mỗi năm, lớp thường chỉ thu hút được khoảng 20 em thì đây thật sự là con số không nhỏ. Những em học sinh sẽ được chia làm ba nhóm. Hàng ngày, các em học tập tại những ngôi trường cùng với bạn bè người Ukraina, bằng tiếng Ukraina.

Cuối tuần, vào thứ bảy, chủ nhật, mỗi nhóm sẽ học khoảng hai tiếng theo giáo trình tiếng Việt từ trong nước gửi sang. Kết hợp với việc dạy tiếng Việt trong các gia đình, đây sẽ là nền tảng quan trọng để các em biết đọc, biết viết tiếng Việt và thêm gắn bó, yêu mến quê hương, gốc gác của mình.

Cô Vũ Thị Thơm là người đã dạy tiếng Việt cho trẻ em ở thành phố Odessa trong suốt những năm qua. Cô chia sẻ: “Có rất nhiều gia đình, bố mẹ đi làm cả tuần, gửi con cho người nước ngoài. Các cháu không biết tiếng Việt. Khi về thăm ông bà, gia đình ở Việt Nam các cháu không thể giao tiếp, lạ lẫm với mọi thứ. Tuy nhiên, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, các gia đình người Việt tại đây đã quan tâm, chú trọng đến việc học tiếng Việt cho con em mình. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các cháu có thể sử dụng tiếng Việt, để các cháu có thể giao lưu với cộng đồng người Việt”.

Những người sống lâu năm ở nước ngoài mới thấy tiếng Việt đáng quý thế nào. Giữa những âm thanh xa lạ, nghe thấy một âm thanh tiếng Việt cũng thấy ấm lòng. Nhưng cuộc sống luôn xô đẩy, nhiều người bị cuốn vào cuộc mưu sinh. Ngay từ nhỏ, con cái đã được gửi cho các bà bảo mẫu bản địa. Đến khi học mẫu giáo, rồi tiểu học, cũng học với thầy, với bạn là người bản địa. Thành ra, con cái sành sỏi “tiếng Tây”, mà lại chỉ biết chào hỏi vài câu “tiếng ta”. Nhiều người Việt ở Ukraina cũng thế. Nhất là tại đây, nhiều người sống bằng nghề buôn bán ở các khu chợ. Họ rời nhà đi từ sáng sớm, tối mịt mới trở về. Thời gian gặp gỡ con cái không có nhiều, nên “tiện thể” nói chuyện bằng tiếng Ukraina. Tuy nhiên, những năm gần đây, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng. Với sự vào cuộc tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, các hội đoàn người Việt ở Ukraina, Ban quản trị các Làng Việt..., ý thức của cộng đồng đã thay đổi. Ngày càng nhiều lớp học tiếng Việt được tổ chức tại các khu dân cư của người Việt.

Cũng ở thành phố Odessa, còn có một ngôi làng Việt nổi tiếng khác - Làng Sen. Làng Sen là gồm 3 tòa cao ốc, mỗi toà 10 tầng, với hàng trăm hộ gia đình người Việt sinh sống. Tháng 7 vừa qua, một lớp học tiếng Việt đã được khai giảng, với 24 học sinh. Lớp học có thể hoạt động ngay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là nỗ lực rất lớn của cộng đồng người Việt tại đây. Để các em có điều kiện tiếp xúc, học tập tiếng Việt thường xuyên, nhà trường lên kịch bản sẵn sàng dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh không kiểm soát được. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa cho biết, cô mong muốn được cộng đồng ủng hộ, để có thể dạy tiếng Việt không chỉ cho thế hệ người Việt thứ hai, mà còn cả thứ ba sinh ra tại Ukraina.

Người Việt tại Ukraina sinh sống chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như: Kiev, Kharcov và Odessa. Xuất phát điểm chủ yếu là những người xuất khẩu lao động đi các nước Đông Âu những năm về trước. Cộng đồng người Việt tại Ukraina có khoảng 10.000 người. So với nhiều nước Đông và Tây Âu khác, đây là một cộng đồng nhỏ, nhưng có nhiều hoạt động nổi bật trong việc hướng về nguồn cội, bảo tồn bản sắc văn hoá và dạy tiếng Việt. Trong đó, riêng cộng đồng người Việt tại Kharkov đã chiếm khoảng một nửa số dân của cả cộng đồng.

Mới đây, tại Làng Thời Đại, cộng đồng người Việt tại Kharkov đã tổ chức tuyên dương, trao phần thưởng cho những học sinh là con em hội viên có thành tích cao trong học tập. Đồng thời, Ban tiếng Việt Làng Thời Đại đã tổ chức khai giảng thêm hai lớp tiếng Việt mới, trình độ lớp 1, gồm 29 học sinh là con em cư dân trong Làng và một số gia đình sinh sống ở khu vực lân cận. Đây có thể coi là bước tiến vượt bậc trong giữ “tiếng mình” ở Ukraina. Với việc mở thêm hai lớp 1 mới, hiện chỉ riêng ở Làng Thời Đại đã có 6 lớp tiếng Việt. Tính trên toàn địa bàn Kharkov, có đến 14 lớp tiếng Việt, với nhiều trình độ khác nhau. Tất cả các lớp tiếng Việt này đều do cô giáo Đoàn Thị Thanh Huế phụ trách.

Những học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi Olympic tiếng Việt ở Ukraine,

Cô Đoàn Thị Thanh Huế cho biết, các lớp tiếng Việt được tổ chức chính là nhờ các tổ chức, hội đoàn của người Việt ở Kharkov. Nhờ sự tài trợ của Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và các cụm dân cư, 100% các em được học miễn phí. Hàng năm, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov còn khen thưởng các em học giỏi tiếng Việt. Cô Huế cũng cho biết thêm, hai lớp học tiếng Việt mới sẽ được tổ chức vào buổi tối các ngày thứ tư và thứ năm hàng tuần, tại phòng học tiếng Việt của Làng Thời Đại.

Theo lời cô giáo Huế, thời gian đầu cô trò sẽ đến lớp thường xuyên, để các cháu học sinh mới làm quen với tiếng Việt. Sau đó, sẽ chuyển sang kết hợp hai hình thức học trực tiếp và Online.

Còn tại Thủ đô Kiev, dù cộng đồng người Việt không đông, nhưng mới đây, một lớp học tiếng Việt cũng được khai trương. Đó là lớp học tiếng Việt ở Trường Chuyên ngữ số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lớp học ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina và Ban Giám hiệu nhà trường. Cô giáo Đỗ Thị Hoa Lý cho biết, lớp tiếng Việt có 16 học sinh, trong đó có 14 học sinh người Việt và 2 học sinh có bố là người Việt và mẹ người Ukraine. Khi mới bắt đầu học, các em đều hăng hái học tập với mong muốn nói thành tạo tiếng Việt.

Những lớp học tiếng Việt ngày càng nhiều hơn. “Tiếng của người mình” đã trở nên quen thuộc, thành ngôn ngữ chính trong nhiều gia đình, kể cả những gia đình có vợ chồng là người Việt và Ukraina. Trong các cuộc làm việc của Đại sứ quán với Hội Người Việt tại các tỉnh, thành phố của Ukraina, Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Hồng Thạch luôn nhấn mạnh và yêu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng.

Đối với cộng đồng trên 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt còn là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc, trở thành điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh: “Việc giảng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt ở Ucraina nói chung, thành phố Kiev nói riêng là hết sức quan trọng, bởi tiếng mẹ đẻ sẽ giúp các cháu có thể giao tiếp với người thân ở trong nước, góp phần gìn giữ, quảng bá ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại. Quan trọng hơn việc dạy tiếng Việt còn nâng cao cơ hội nghề nghiệp của các cháu nếu sau này muốn trở về Việt Nam công tác, sinh sống. Do đó, Đại sứ quán hết sức quan tâm và sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu được học tiếng Việt”.

Với nỗ lực của các cơ quan, tổ chức trong nước và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào đang được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt trẻ với quê hương, duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong các thế hệ kiều bào.

Tuệ Phương