Tiêu chí nhà văn hóa làm khó xã nghèo

QUẢNG NGHĨA 08/10/2021 09:09

Trải qua thời gian, cơ sở vật chất văn hóa bị hư hỏng, xuống cấp do thiên tai, chật hẹp do sáp nhập thôn bản, cộng với nội lực trong dân còn yếu đã khiến tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương vùng khó, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị chậm lại.

Nhà văn hóa thôn xuống cấp, chật hẹp

Xã miền biển Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có 10 nhà văn hóa thôn để phục vụ các sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão cùng với thời gian xây dựng đã lâu nên nhà văn hóa các thôn Tân Thượng Hải, Nam Hải, Thượng Nam, Thượng Hải, Thượng Bắc (xã Ngư Thủy Trung cũ) xuống cấp nghiêm trọng.

Giữa màu xanh của rừng phi lao, nhà văn hóa thôn Thượng Nam bé nhỏ nằm khép mình trên nền đất đỏ lổm ngổm cao thấp. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 2008 theo kiểu nhà cấp bốn, có diện tích khoảng 100m2 từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước.

Qua 12 năm sử dụng, đến nay, tường nhà đã bong tróc vữa. Nền móng nhà cũng bị sụt lún nhiều nơi; hệ thống cửa bị hư hỏng, nhiều mảnh ván bị bung ra... Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa bão cuối năm 2020 khiến nhà văn hóa thôn Thượng Nam càng dột nát hơn.

Ông Ngô Văn Lưỡng, Trưởng thôn Thượng Nam cho biết: Do nhà văn hóa thôn đã xuống cấp, nhiều hạng mục cùng với hệ thống loa máy hư hỏng khiến các hoạt động cộng đồng của bà con gặp nhiều khó khăn. Hiện thôn có 140 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp và bám biển bãi ngang nên thu nhập không cao. Do đó, ban cán sự thôn khó huy động sức dân trong việc xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa thôn.

Trong khi đó, sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã đạt 13/19 tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế…

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo xã Quảng Kim, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí khó thực hiện.

Bởi thực tế, 3/6 nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã Quảng Kim đang trong tình trạng xuống cấp, chật hẹp cần được xây mới. Cùng với hệ thống thiết chế phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, hư hỏng và chưa đồng bộ.

Ngoài ra, để đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã Quảng Kim phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao đạt chuẩn. Nhưng hiện tại, là địa phương còn nghèo, xã Quảng Kim chưa có kinh phí để xây dựng các hạng mục này.

Tương tự, tại xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có 10/10 nhà văn hóa thôn đều hư hỏng. Tại xã Phù Hóa, xã Liên Trường (huyện Quảng Trạch), việc sáp nhập các thôn, xã đã dẫn tới việc nhà văn hóa không đủ chỗ ngồi mỗi khi họp thôn, xóm.

Nỗ lực từng bước đạt tiêu chí số 6

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 quy định để đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, các địa phương phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao của xã đạt chuẩn;…

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết, việc xây dựng mới 1 nhà văn hóa thôn phải mất khoảng 1 tỷ đồng, còn tu sửa lại cũng mất vài trăm triệu. Trong khi đó, ngân sách của xã lại rất hạn chế, nguồn lực huy động từ người dân gặp nhiều khó khăn.

Xã Ngư Thủy đã có tờ trình gửi UBND huyện Lệ Thủy xin kinh phí để tu sửa, xây mới. Đồng thời, địa phương đã có kế hoạch ưu tiên, từng bước xây dựng lại 4 nhà văn hóa thôn và tu sửa 1 nhà văn hóa trong lộ trình xây dựng NTM những năm tiếp theo.

Từ thực tế xây dựng cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương vùng khó, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn lắm gian truân.

Để giúp đỡ các địa phương này sớm hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, chính quyền, đoàn thể, ban ngành các cấp ở tỉnh Quảng Bình quan tâm, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, bố trí nguồn vốn để Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng các nhà văn hóa thôn, mua sắm các thiết chế văn hóa.

QUẢNG NGHĨA