Mối lo thiếu lao động cuối năm

T.GIANG - H.VINH - M.THÌN 08/10/2021 09:00

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, công nhân kéo nhau về quê tránh dịch. Vì vậy, ngay sau khi các tỉnh, thành phía Nam công bố nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, nhiều địa phương lập tức rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

“Đỏ mắt” tìm lao động

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, khoảng 1 tuần nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành bắt tay vào tái sản xuất, song lại phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm lao động. Tại TP HCM, trong 3 - 4 ngày đầu giãn cách, thành phố có 5.279 DN đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều DN vừa chuẩn bị mở cửa nhà máy, vừa lo nguồn nhân lực sản xuất do số lao động ồ ạt về quê trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, nhu cầu lao động của DN trên địa bàn thành phố là khoảng 43.600 - 56.800 lao động. Thời điểm này, nhiều DN đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại.

Là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều sau TP HCM, Bình Dương cũng đang bị khủng hoảng nguồn lao động. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khẳng định, Bình Dương có khoảng 1,2 triệu lao động tham gia sản xuất ở 50.000 DN. Thế nhưng, sau dịch Covid-19, tỉnh đang thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động.

“Dịch Covid-19 đã gây nên những tác động tiêu cực và hệ lụy lâu dài. Tại các tỉnh, thành phía Nam, số người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập đến nay vẫn chưa thể thống kê được.

Sau mở cửa, mặc dù chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, vận động người dân ở lại để phòng, chống dịch, sẵn sàng cho một cuộc sống bình thường mới nhưng đa số họ vẫn muốn về quê, vừa để tránh dịch cũng là giảm nỗi lo về chi phí sinh hoạt hàng ngày” - ông Tuyên cho biết.

Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP HCM chuẩn bị nguồn lực để tái hoạt động.

Cung - cầu lao động chưa được kết nối

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina Industrial (tỉnh Đồng Nai) cho biết, tỉnh đã nới lỏng một số hoạt động, thế nhưng việc sản xuất chưa thật như mong muốn và đang ở mức thấp.

“Lúc cao điểm công ty tôi có đến 32.000 lao động. Giờ sản xuất còn 5% tức là chỉ có khoảng 1.600 công nhân làm việc. Trong khi đơn hàng từ đây đến cuối năm rất lớn. Thời gian qua người lao động rời Đồng Nai về quê khá nhiều. Theo tôi, nếu sản xuất không được mở rộng thì số lao động về còn nhiều nữa. Dự đoán thị trường lao động cuối năm khả năng thiếu hụt”, ông Phúc nói.

Lãnh đạo Công ty Colgare-Pamolive Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, DN đang lo lắng vì đơn hàng nhiều nhưng thiếu công nhân nên hàng thành phẩm rất chậm.

“Mấy hôm nay theo dõi thấy công nhân rời Bình Dương, TP HCM,… về quê nhiều khiến DN đứng ngồi không yên. Hy vọng chính quyền cho mở lại sản xuất với công suất lớn hơn để tăng thêm nhân công, từ đó người lao động được đi làm để duy trì cuộc sống, số người về quê sẽ hạn chế”, lãnh đạo Colgare-Pamolive Việt Nam đề nghị.

Trong khi DN mong đợi công nhân quay trở lại để phục vụ tốt hoạt động sản xuất thì không ít người lao động ở các tỉnh loay hoay không biết về lại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…như thế nào.

Ông Phạm Tấn Được (tỉnh Phú Yên) băn khoăn: “Dịch bệnh ở TP HCM đã giảm, giờ tôi muốn vào lại để tìm việc làm ổn định cho thời gian tới nhưng chưa biết thủ tục thế nào?

Còn anh Thạch Sa Ti, quê Sóc Trăng, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện tại đang rất lưỡng lự vì không biết có nên về quê hay không.

“Hàng ngày tôi mong ngóng cuộc gọi từ công ty. Nghe mọi người nói, đơn hàng nhiều nhưng sản xuất chưa được bao nhiêu. Khoảng 1 tuần nữa mà công ty không gọi tôi sẽ về quê - anh Ti nói.

Công nhân Công ty TNHH DAIKAN Việt Nam, KCN Amata, TP Biên Hòa sản xuất “3 tại chỗ” phòng chống dịch.

Nhắn tin mời gọi người lao động trở lại sản xuất

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Mười nhận định: “Chưa bao giờ làn sóng người dân rời bỏ nơi làm việc tại các tỉnh - thành phía Nam lại diễn ra mạnh như thời điểm này. Do việc giãn cách quá lâu, trong khi an sinh xã hội không đảm bảo khiến người lao động lo ngại ở lại không biết sinh sống kiểu gì. Hiện một số tỉnh, thành đã nới lỏng nhưng tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, người lao động chưa mấy tin tưởng vào bức tranh kinh tế sau mở cửa. Số lao động về quê tránh dịch dự báo sẽ còn cao nếu sản xuất kinh doanh chưa được mở rộng”.

Theo ông Mười, giải pháp tối ưu nhất để níu giữ người lao động chính là cần tạo cơ chế thuận lợi cho các DN nhanh chóng hoạt động trở lại. Cùng với đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi sản xuất một cách cụ thể, chi tiết, giúp người dân và DN dễ hiểu, dễ áp dụng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường cho rằng, mấu chốt hiện nay là phải có kế hoạch nhanh chóng đưa các nhà máy trở lại hoạt động, giải quyết việc làm cho công nhân. Khi có việc làm, có thu nhập công nhân sẽ không về quê, tiếp tục ở lại an tâm sản xuất.

Nhằm tạo thuận lợi cho lao động sản xuất, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ không ban hành và kiểm soát việc đi đường của công nhân bằng giấy đi đường nữa. Thay vào đó, công nhân chỉ cần đeo thẻ ra vào do DN cấp.

Tại TP HCM, hướng giải quyết của nhiều DN là nhắn tin cho người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Đồng thời, người lao động phải đáp ứng được các điều kiện đặt ra tại bộ tiêu chí an toàn đã được Sở Công thương TP HCM ban hành.

Đối với lực lượng lao động đang sinh sống trên địa bàn thành phố có nhu cầu tìm việc làm sẽ liên hệ với 127 đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn có giấy phép đăng ký hoạt động. Các đơn vị này đang tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc, giúp tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể của người lao động để DN phỏng vấn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm cả nước có 85.000 DN được thành lập mới trong khi số DN rút khỏi thị trường là trên 90.000.

Đây là lần đầu tiên số DN rút khỏi thị trường nhiều hơn số DN được thành lập mới. Nghiêm trọng hơn, ngay cả các DN còn hoạt động phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều DN dường như đã “chết lâm sàng”, 94% DN trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các DN nói rằng, họ khó có thể trụ thêm 3 - 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Trên phương diện lao động và việc làm, trong quý 3/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Nghĩa là số người thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong một quý. Đằng sau 2,4 triệu người lao động cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh. Bài toán về việc làm cho người lao động, nhân công cho nhà máy, xí nghiệp cần nhanh chóng được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM:

TP HCM có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, 1.500 nhà máy, DN lớn. Để đáp ứng hoạt động sản xuất của các nhà máy này đã có 320.000 lao động làm việc.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, có 700 nhà máy với 70.000 lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện 700 DN đang hoạt động thì có nhiều DN vẫn muốn mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động.

Tuy nhiên, để thu hút lao động làm việc trở lại, DN cần đảm bảo nhà xưởng an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Công nhân phải được tiêm vaccine Covid-19. Hiện có khoảng 43.000 công nhân đang sinh sống quanh khu vực Đông Nam Bộ đã được tiêm mũi 1 vaccine đủ 12 tuần. Mỗi khu công nghiệp đều phải có bệnh viện dã chiến, hoặc khu thu dung tại chỗ.

Song song đó, DN cần ứng dụng công nghệ và thực hiện DN số trong sản xuất kinh doanh, vận chuyển, xuất nhập khẩu, tiếp thị,.. nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện thiếu hụt lao động, đồng thời an toàn giãn cách.

T. Giang(ghi)

T.GIANG - H.VINH - M.THÌN