Cần nhiều giải pháp hút người lao động trở lại
Trước làn sóng người lao động di chuyển về quê tránh dịch khiến thị trường lao động ở các tỉnh, thành phía Nam ảm đạm.
Để giải quyết bài toán về sự thiếu hụt lao động hiện nay, PV báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
PV:Thưa ông, sau cao điểm đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các tỉnh, thành phía Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Ông nhận định gì về tình hình này?
TS Vũ Minh Tiến: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang thực hiện giãn cách, giãn cách một phần nên rất ít DN được huy động làm 100%. Hiện các DN chỉ mới làm 30 - 40% công suất thôi. Tức là có đến 50 - 60% công nhân đang ở nhà để sẵn sàng đi làm việc. Tôi biết có những tỉnh thiếu mấy chục ngàn lao động.
Tôi đã trao đổi, gặp gỡ những công nhân đã về và đang mong muốn về quê. Hầu hết họ là lao động trẻ, có thâm niên chưa cao, lao động phổ thông. Còn lại, lao động có trình độ, tay nghề cao, thu nhập ổn định vẫn có ý định đồng hành cùng DN, gắn bó lâu dài với TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Bên cạnh đó, trong thời gian cho công nhân nghỉ việc vì dịch bệnh có những DN vẫn duy trì mức lương tối thiểu để giữ chân lao động. Vì vậy, hầu hết những người đã về và có ý định về thì đa số là tạm tránh dịch để nghe ngóng tình hình. Nếu DN cũ, hay DN mới tuyển dụng lao động mà công nhân cảm thấy an tâm thì người ta sẵn sàng quay lại thành phố.
Doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành đang tìm giải pháp, mời gọi công nhân trở lại sản xuất. Dự báo có khá nhiều công nhân về quê tránh dịch và lựa chọn phương án ở quê nhà tìm việc mới. Trường hợp ít công nhân quay trở lại làm việc thì DN, địa phương phải làm sao, thưa ông?
- Ở điều kiện bình thường, chưa có dịch, nhiều DN cũng khó tuyển lao động phổ thông. Giờ ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tuyển dụng đã khó lại càng khó hơn. Tình hình thị trường lao động đang diễn biến xấu hơn trước đây là đúng và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ đến đâu còn phụ thuộc nhiều vào tình hình an toàn dịch bệnh hay không an toàn dịch bệnh khi sản xuất trở lại.
Các DN, các địa phương có đảm bảo điều kiện an toàn sản xuất khi thực hiện phương án “Sống chung với dịch bệnh Covid-19”. An toàn sản xuất, an toàn nơi sinh sống thì công nhân sẵn sàng quay lại ngay.
Xin chia sẻ thêm, có tình trạng nhiều lao động, công nhân họ xác định bám trụ lại ở quê dù thu nhập có thấp hơn đi nữa nhưng bù lại chi phí ở quê giá rẻ, giảm hẳn hơn ở các thành phố - nơi mà họ đã từng làm việc. Cộng thêm tình cảm gia đình, gần gũi vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, tình cảm hàng xóm, láng giềng…
Ngoài ra, chúng ta cũng hình dung được và thực tế cho thấy, không có dịch Covid-19, người lao động cũng đã chuyển ngược về quê khá nhiều. Dịch Covid-19 chính là cú hích cuối cùng khiến nhiều lao động quyết định về quê luôn.
Theo ông, sau đợt dịch bệnh này, DN cần làm gì để giữ chân người lao động, làm gì để người lao động gắn bó, đồng hành cùng DN trong mọi hoàn cảnh?
- Bình thường DN đã phải chăm lo đến đời sống của công nhân: như thu nhập, trợ cấp,… Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh muốn công nhân quay trở lại làm việc như bình thường, đòi hỏi DNphải công khai, công bố những chế độ ưu đãi. Công bố trước các chế độ và cam kết thực hiện đúng. Tất nhiên chế độ chính sách này phải cao hơn bình thường. Ví dụ, tiền ăn ca cao hơn, đặc biệt nếu làm thêm giờ sẽ được hưởng 170%, thay vì 150% như trước đây…
Nghĩa là ngoài đảm bảo an toàn lao động nói chung, phòng, chống Covid-19 nói riêng vẫn phải có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động. Về lâu về dài thì tiền lương, thu nhập phải cao hơn hiện nay. Vì ngoài trang trải cuộc sống người lao động cũng cần có tích lũy. Nói chung, cần nhiều giải pháp và các giải pháp phải đồng bộ với nhau.
Trước đây, chỉ có một số địa phương phát triển mạnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương,… nên lao động tự tìm đến gắn bó và mưu sinh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các tỉnh có điều kiện phát triển tốt hơn đã thu hút được nguồn vốn FDI, vốn đầu tư trong nước, hay sự dịch chuyển đầu tư của các DN trong nước đến. Vì vậy, lao động cũng dịch chuyển theo. Vậy, theo ông cần có chính sách gì để thị trường lao động phát triển ổn định, hài hòa đảm bảo hoạt động sản xuất hướng đến tăng trưởng phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội?
- Chuyện đầu tư là bài toán của các doanh nghiệp. Song, nếu phát triển hài hòa, cân bằng, Nhà nước cần có chính sách thuế (giảm thuế), đầu tư hạ tầng,… Hơn nữa, nhiều ngành hiện nay cần lao động phổ thông như: ngành mộc, may nhưng không thể tuyển dụng được, vì vậy DN nên về quê để tuyển lao động.
Nghĩa là, thay vì đưa xe đi đón rước công nhân ở các tỉnh vùng cao như: Bắc Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Lâm Đồng,... DN đã và đang đầu tư trực tiếp vào những tỉnh nêu trên.
Theo tôi, hiện nay thị trường lao động chịu sự tự tác động của Nhà nước, chính sách thu hút của các tỉnh cùng với độ mở, tính linh hoạt và tự do hơn. Sự điều tiết của thị trường cũng sẽ dần ổn định. Tình trạng thiếu hụt lao động, có thể là 3 tháng, 6 tháng, hết đỉnh dịch, thậm chí là 2023 hay 2024. Thị trường sẽ tự điều chỉnh nhất định và dần dần ổn định hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!