Làm sao để tạo sức bật cho doanh nghiệp?

H.Hương 08/10/2021 06:00

Với gói 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, dự kiến sẽ có khoảng hơn 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm được “bơm” ra nền kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý phải có cơ chế để xác nhận rõ đối tượng được thụ hưởng.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm nghiên cứu, trình Quốc hội gói tín dụng hỗ trợ lãi suất trong kỳ họp tới. Và theo thông tin từ lãnh đạo NHNN, ngân sách nhà nước dự định chi 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng cho người dân, DN tương đương gói tín dụng 100.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp 3-4% một năm.

Điều này được hiểu là NHNN sẽ “bù đắp” phần thiệt hại của ngân hàng khi họ giảm lãi suất cho vay về mức thấp 3-4% một năm so với mức hiện hành. Gói cấp bù lãi suất là động thái tiếp theo của NHNN để hỗ trợ DN, sau một số đợt giảm lãi suất điều hành hay kêu gọi sự chia sẻ từ các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, quy mô gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đang gây nhiều ý kiến tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, gói tín dụng này quá nhỏ bé so với khó khăn của DN. Tuy nhiên cũng có kiến cho rằng, nếu đưa được 100.000 tỷ đồng này tới những DN cần vay vốn, sẽ tạo được sức bật đáng kể. Điều quan trọng nhất khi thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này là đưa được đúng đối tượng khó khăn.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, có những DN vượt khó thành công và có những DN đã thất bại. Gói tín dụng này cần làm rõ về cơ chế như: Dành riêng cho đối nhóm ngành DN cụ thể, hay tất cả các DN đều được hưởng. Ngoài ra, chỉ cấp cho các đối tượng DN đang khó khăn cần phục hồi, hay cấp cho đối tượng đang có đà phục hồi tốt, bù thêm vốn cho họ phát triển và kéo các DN khác đi lên?

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần ưu tiên gói hỗ trợ tín dụng này cho DN nhỏ và vừa, thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm và chỉ áp dụng với một số ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng cần chọn đối tượng trọng tâm, trọng điểm, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà.

Ngoài xác định lĩnh vực ưu tiên, giới chuyên gia cho cũng cho rằng dù cho vay cấp bù lãi suất, song ngân hàng không nên nới lỏng điều kiện vay. Lý do là, ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi khoản vay, không được làm thất thoát ngân sách. Nếu cho vay dưới chuẩn, khả năng thu hồi vốn, bảo toàn ngân sách sẽ khó khăn.

Từ góc độ DN, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, dòng tiền như oxy đối với DN. Tuy nhiên, đa phần DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật Tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân DN phải đảm bảo, một là không có nợ xấu, hai là doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của DN sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm, trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng không đổi.

“Dù dự kiến tháng 10/2021, NHNN và Bộ Tài chính trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất nhưng các DN sẽ khó có thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho các DN gặp khó khăn do đại dịch” - ông Phạm Văn Việt đề xuất.

H.Hương