Cha mẹ đau đầu vì con thành game thủ khi học online
Sau 2 năm học online, nhiều ông bố, bà mẹ than vãn rằng, con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình cảm thấy bất lực, “mất con” khi những đứa trẻ này cả ngày vùi đầu vào game online.
Dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp khiến học sinh nhiều địa phương phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến. Tiếp cận với máy tính thời gian dài, không ít học sinh tìm đến game online kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí mất kiểm soát dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.
Nghiện game vì Covid
Với độ tuổi học sinh bậc trung học cơ sở và tiểu học, việc tạm dừng tới trường để phòng chống dịch là nỗi lo không nhỏ đối với các bậc phụ huynh. Cả ngày ôm điện thoại thông minh, máy vi tính, ipad, nhiều trẻ lao vào chơi game rồi nghiện game.
Mệt mỏi, bỏ bê học tập là dấu hiệu bất thường thời gian gần đây của con trai chị Nguyễn Thu Hương (ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội). Con chị Hương bắt đầu ham chơi game từ khi bố mẹ tặng cho ipad để phục vụ việc học online. Chị Hương cho biết, cứ rời học là con chị lại ôm vào ipad, dù có nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào vợ chồng chị cũng kè kè bên con được.
“Thằng bé lén tải rất nhiều trò chơi điện tử, mải chơi đến mức không cần ăn. Tôi không biết phải xử lý thế nào trong khi vẫn phải giao máy cho con để ở nhà học”, chị Hương nói.
Quản lý con thế nào khi con học ở nhà trong mùa dịch quả là một bài toán không đơn giản đối với nhiều phụ huynh. Lơ là, không có nhiều thời gian bên con khiến nhiều đứa trẻ rơi vào vòng xoáy của game online.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng về một trường hợp nghiện game trong số trường hợp anh can thiệp về tâm lý để chỉ ra những tác hại không nhỏ khi trẻ nghiện game online.
Đó là một bệnh nhân nam 14 tuổi, là con thứ 3 trong gia đình. Bệnh nhân được sinh ra trong môi trường bố mẹ thương yêu nhau, gia đình đầm ấm và cả 3 chị em đều học giỏi và thích học, học trường chuyên của tỉnh và ngoan ngoãn, tính cách hài hòa. Tuy nhiên, khi bệnh nhân được 10 tuổi gia đình bắt đầu xảy ra biến cố lớn.
Chị cả tự tử vì trầm cảm khi đang là sinh viên năm thứ 3 đại học. Cả gia đình đau buồn vì sang chấn đó. Từ đó, người mẹ không cho bệnh nhân học nhiều, chơi là chính. Cũng chính từ đây, gia đình bắt đầu cho con trai chơi các trò chơi trên máy tính.
Bản thân bệnh nhân là trẻ thông minh nên nhanh chóng say mê các trò game trên mạng và lơ là việc học hành. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, bệnh nhân trở thành trẻ không chịu đi học, xem nhẹ việc học và dành nhiều giờ trong ngày trên máy tính.
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, sau 2 năm nghiện game, bệnh nhân đã có nhiều thay đổi tính tình so với trước đây: Sẵn sàng bỏ học, dành nhiều thời gian trong ngày cho chơi game, hay tức giận vô cớ, lơ là cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân.
Khi có yêu cầu bệnh nhân thực hiện việc gì đó thì bệnh nhân không làm và cáu gắt, thậm chí nếu bố mẹ nhắc nhở mạnh hơn thì bệnh nhân sẵn sàng đập phá đồ đạc. Bệnh nhân trở lên hận thù với mẹ vì mẹ bắt đầu nhắc nhở khi chơi game quá nhiều.
“Đặc biệt, khi bị bố mẹ cấm đoán, các cảm xúc và hành vi của bệnh nhân càng trở lên thay đổi nhiều: chống đối, gây hấn, tấn công lại mẹ... Sau nhiều tháng các thành viên gia đình tự giải quyết và tranh đấu nhưng càng rối hơn nên đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện và chuyên gia tâm lý”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Bệnh nhân theo dẫn chứng của PGS.TS Trần Thành Nam chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn trường hợp nghiện game online đang có chiều hướng gia tăng trong mùa dịch. Trước đó, đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi người chơi nghiện game online để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội.
Nguy hiểm là số người nghiện game online ngày càng tăng cao trong mùa dịch, trong đó phần đông là học sinh, sinh viên.
Chơi game có xấu?
Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam, người ta gọi game là “ma túy kỹ thuật số”, nó ảnh hưởng đến vùng trán trước. Não chúng ta như 1 nhà máy sản xuất chất ma túy tự nhiên. Chơi game cũng làm sản sinh ra dopamine rất nhiều gấp đôi so với bình thường.
Nó cũng giống như tập cơ bắp - một số chức năng và hiệu ứng được ghi lại là tích cực. Tuy nhiên, với một số game thủ tất cả tiền bạc, cuộc sống đều dành cho game. Nhiều người đã chết sau 50 giờ chơi game liên tục.
Nguyên nhân của nghiện game bởi game có nhiều yếu tố khiến người chơi dễ bị hấp dẫn: tính sắm vai, tính mạo hiểm, ganh đua, chiến thắng, phần thưởng... Game giúp người sử dụng ẩn danh, thoải mái tán gẫu, kết bạn, hẹn hò, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân hay tạo dựng hình ảnh cá nhân theo cách mình muốn.
Hoặc có thể do người chơi thiếu vắng những thú vị trong đời sống thường nhật, gặp rắc rối trong học tập, công việc hay mối quan hệ với mọi người xung quanh, tránh đối diện với những vấn đề sức khoẻ thể chất và tâm lý: lo âu, trầm cảm…
Tuy nhiên, chơi game có phải là hành vi lệch lạc? Anh Nguyễn Đình Tuấn Anh, chủ một thống kinh doanh dịch vụ game online trên phố Trần Huy Liệu (quận Ba Đình, Hà Nội) nhìn nhận, bản chất của game khi ra đời chỉ đơn thuần là một trò chơi điện tử mang tính chất giải trí cao.
Thực tế, game là ngành công nghiệp “không khói”, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, khi game online ra đời với nhiều biến tướng dẫn đến việc khó kiểm soát như hiện nay.
Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số người nghiện game online, nhưng theo tìm hiểu, số học sinh, sinh viên nghiện game online tìm đến các bác sĩ tâm lý để can thiệp, điều trị có xu hướng ngày càng tăng.
Bác sĩ Nguyễn thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết, trong số bệnh nhân mà bác sĩ này tiếp nhận trong thời gian gần đây có tới 40-50% bệnh nhân liên quan tới game, chủ yếu ở lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi. Các em thường có chung triệu chứng: bị các tật về mắt, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có em thần kinh bị ảo giác.
Theo bác sĩ Mai, khi chơi game đến mức độ nghiện, trở thành bệnh lý thì việc điều trị rất kỳ công. Vì vậy, bác sĩ Mai cho rằng, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con, thậm chí chấp nhận hi sinh cả công việc để quan tâm, để mắt tới con.
Thay vì cấm đoán, đánh mắng con, cha mẹ hãy chơi cùng con, khuyên nhủ con nhẹ nhàng để con không bị tách biệt bởi thế giới ảo từ game online.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, việc quản lý trò chơi điện tử trên mạng được thực hiện theo các quy định về quản lý, kinh doanh trò chơi trên mạng internet đang có hai văn bản chính là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15-4-2018, bổ sung sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc quản lý trò chơi game trên mạng internet thời gian qua vẫn còn những lỗ hổng mà rõ nhất là để xảy ra tình trạng lợi dụng game online để tổ chức đánh bạc trái phép.