Sinh viên 'mắc kẹt' ở Hà Nội: Từ tham gia chống dịch đến 'thử thách bản thân'
Trong khoảng thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, nhiều sinh viên ngoại tỉnh "mắc kẹt" lại thủ đô vì những lý do khác nhau.
Từ sinh viên đến tình nguyện viên
Hà Nội vừa phải trải qua đợt giãn cách xã hội do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên không kịp về quê nên “mắc kẹt” tại phòng trọ, ký túc xá trong một thời gian dài.
Gặp khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, không ít bạn sinh viên phải xoay sở đủ kiểu để vượt qua quãng thời gian dịch bệnh này.
Đáng chú ý, tuy phải ăn uống có phần qua loa, tạm bợ cho qua bữa và xoay sở đủ các khoản phí sinh hoạt nhưng nhiều bạn vẫn đăng ký tình nguyện, góp sức giúp thành phố dập dịch.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, bạn Hoàng (21 tuổi, Thanh Hoá), sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và tuyên truyền (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do bận học và còn đi làm thêm nên mình chưa thể về quê, một phần là muốn trụ lại Hà Nội kiếm tiền tự trang trải cuộc sống mà không nhờ tới sự trợ giúp từ gia đình.
Ban đầu mình cũng không nghĩ là TP lại bị phong tỏa lâu đến vậy. Mình mất đi nguồn thu nhập, tiền thuê trọ không được giảm nên càng khó khăn hơn”.
Tuy nhiên, Hoàng luôn lạc quan và cho rằng, thay vì nằm nhà chờ đợi sự giúp đỡ từ xã hội thì có thể tranh thủ thời gian rảnh để giành thời gian tham gia các hoạt động xã hội.
“Xin tham gia công tác hỗ trợ chống dịch tại chốt vì mình biết như vậy sẽ giúp bổ sung thêm lực lượng chống dịch giúp TP qua dịch bệnh. Không những vậy, đoàn viên, thanh niên tình nguyện còn nhận đc một hỗ trợ nhỏ khích lệ tinh thần và cũng phần nào giúp mọi người giảm bớt gánh nặng chi phí mùa dịch. Tuy nhiên, mình biết còn rất nhiều người khó khăn hơn nên tự nguyện nhường lại cho người cần hỗ trợ hơn”.
Cũng tham gia hỗ trợ bộ phận y tế của phường tiêm vaccine cho người dân, phát quà cứu trợ cho những hoàn cảnh khó khăn bị kẹt tại Hà Nội, tuy có mệt nhưng Lâm (20 tuổi, Cao Bằng), sinh viên ĐHSP Hà Nội, cảm thấy vô cùng vui vẻ và tự hào khi chung tay cùng TP, có những trải nghiệm và kinh nghiệm đáng quý, không phải bạn sinh viên nào cũng có được.
"Khi biết mình mắc kẹt lại Hà Nội, lại cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch cùng các cô chú, anh chị ở phường, hỗ trợ người dân trong thời gian này, bố mẹ minh rất lo lắng. Tuy vậy, bố mẹ vẫn động viên và tiếp thêm năng lượng để mình tiếp tục cố gắng hơn nữa và học hỏi thêm nhiều điều".
Thử thách bản thân để trưởng thành
Dù khó khăn, thiếu thốn nhiều điều, nhưng hầu hết các bạn trẻ vẫn sống lạc quan thích nghi với hoàn cảnh mới.
Khoảng thời gian này cũng là một cách để các bạn sinh viên thử thách bản thân trước những khó khăn cuộc sống.
“Mình biết HN đóng cửa lúc tâm dịch nhưng quyết định không về vì muốn thử thách bản thân xem có chịu được áp lực ‘đầu đời’ này không.
Có khoảng thời gian mình bị stress và cảm thấy cần được giao tiếp xã hội nhưng sau đó mình đã tìm cách để cân bằng cảm xúc. Ngoài thời gian học online, mình tự tìm niềm vui bằng cách tập thể dục mỗi ngày, học nấu ăn hoặc xem phim giải toả căng thẳng bí bách. Nhờ có khoảng ‘lặng’ này mà mình học được cách chăm sóc bản thân và trưởng thành hơn nhiều”, Dung (sinh viên Viện Đại học Mở HN) cho hay.
Cô bạn cũng rất lạc quan và cho biết, bản thân thường xây dựng những "kế hoạch nhỏ" cho mình để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa.
Để thích nghi với hoàn cảnh và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Đoàn Minh Hạnh (sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) tìm đến công việc bán hàng online với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng.
Dù thu nhập không cao nhưng Hạnh vẫn cố gắng chi trả tiền phòng trọ và cố gắng chi tiêu hợp lý để không phải xin trợ cấp tự bố mẹ.
"Mình cảm thấy may mắn vì còn có nguồn thu nhập từ làm thêm. Nhờ đó, mình cũng biết quý trọng đồng tiền và học được cách tự quản lý tài chính của bản thân".
Không chỉ có sinh viên Việt Nam, nhiều du học sinh cũng đã quen dần với cuộc sống trong dịch bệnh. Kongkeo Xayphompan, sinh viên năm cuối tại HV Báo chí và tuyên truyền chia sẻ: “Do dịch Covid-19 và cũng là sinh viên năm cuối, dù rất nhớ gia đình nhưng mình cũng chưa thể về nước được. Thời gian vừa rồi mình phải trải qua những khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày nhưng chúng mình đã chia nhau dọn dẹp KTX mỗi ngày, vừa rèn luyện thân thể lại giữ gìn vệ sinh chung.
Mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi thời điểm này lại nhận được nhiều quan tâm và động viên của thầy cô trong trường. Ngoài sự an ủi về tinh thần, nhà trường còn hỗ trợ mình và các bạn thực phẩm thiết yếu như: gạo, mì tôm, dầu ăn,...".
Đồng hành cùng sinh viên vượt qua đại dịch, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội cũng đã trao tặng 1.000 suất quà là nhu yếu phẩm thiết yếu trị giá 200.000 đồng cho cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, thấu hiểu tâm lý hoang mang mà sinh viên đang phải trải qua, nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP đã có những hoạt động hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau như: giảm học phí; giảm hoặc miễn phí tiền điện, nước cho sinh viên KTX; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày... các em vơi bớt đi phần nào khó khăn trong mùa dịch. |