TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa về nhiều, giá thực phẩm ‘giảm nhiệt’
Nới lỏng giãn cách xã hội, giao thông thuận lợi hơn nên những ngày qua nguồn hàng về nhiều, cùng với việc các chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại nên giá thực phẩm trên thị trường TP HCM đã giảm nhiệt.
Chợ truyền thống dần mở cửa
Bà Trần Thị Minh Mẫn (tiểu thương chợ Phước Long B, thành phố Thủ Đức) cho biết: “Ở nhà phòng, chống dịch 2-3 tháng nay cảm thấy gò bó tay chân và nhớ nghề. Hơn nữa, nghỉ dịch lâu nên thu nhập không có, vì vậy khi có thông tin chợ mở cửa bán lại tôi phải tranh thủ đi bán hàng ngay”. Đa số tiểu thương cho rằng, nghỉ dịch bệnh dài ngày nên chỉ chờ có thông báo mở cửa chợ là chuẩn bị hàng hóa để bán.
Theo Sở Công Thương, tính đến ngày 7/10, TP HCM đã có 28/234 chợ truyền thống mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, các chợ này chủ yếu tập trung ở các quận, huyện vùng xanh như: quận 7, quận 5, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Ngày 8/10, thành phố có thêm 3 chợ truyền thống được mở cửa trở lại trong bối cảnh các quận, huyện khác đang thận trọng đưa chợ vào hoạt động.
“Hiện nay, chủ trương của thành phố là cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại. Song song đó, mở rộng hoạt động của các chợ đầu mối trên cơ sở thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho cả người mua và người bán”, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Liên quan đến việc mở cửa chợ truyền thống sau thời gian dài ngưng hoạt động, đại diện các địa phương khẳng định, hiện tiểu thương và người dân trên địa bàn thành phố đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, vì vậy việc mở cửa các chợ sẽ an tâm hơn. Ngoài ra, qua đợt dịch bệnh vừa rồi, đa phần người dân ý thức phòng chống dịch bệnh thông qua biện pháp 5K khá tốt.
Giá cả hạ nhiệt
Do có nhiều chợ truyền thống hoạt động, các cửa hàng, điểm bán cũng nhộn nhịp nên giá thực phẩm giảm đáng kể. Nếu trước đây rau muống có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, khổ qua giá 70.000 đồng/kg, khoai tây – cà rốt 60.000 đồng/kg… thì hiện nay giá các mặt hàng này giảm khoảng 50%. Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, cá diêu hồng có giá 60.000 đồng/kg, thay vì 80.000 – 90.000 đồng/kg trong thời điểm dịch bệnh. Các loại cá biển cũng dần về lại giá bình thường, từ 90.000 – 250.000 đồng/kg, tùy loại.
Với mặt hàng thịt heo, giá cả giảm khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. “Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội đi chợ cảm thấy xót tiền quá. Tiền rau củ quả thôi cũng hết gần 200.000 đồng, chưa kể thực phẩm tươi sống. Giờ giá cả hàng hóa giảm khá nhiều cũng đỡ, chứ dịch bệnh không làm ra tiền”, bà Nguyễn Thị Tươi (quận Bình Thạnh) nói.
Tiểu thương các chợ khẳng định, đi lại thuận lợi, hàng về chợ đầu mối cũng nhiều nên giá rau củ quả và thực phẩm tươi sống giảm đáng kể. Giá giảm vừa dễ cho cả người bán lẫn người mua. Sở Công thương thành phố thông tin, nguồn hàng về các điểm tập kết, điểm trung chuyển ở 3 chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) tăng dần so với trước ngày 1/10. Trước ngày 1/10, số lượng hàng hóa về các điểm tập kết chỉ đạt khoảng 800 – 900 tấn/ngày thì nay tăng lên từ 1.100 – 1.200 tấn/ngày. Tình hình cung ứng hàng hóa ngày càng ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Không chỉ các chợ truyền thống, tại các chợ online giá hàng hóa cũng giảm khoảng 20 – 30%. Ngoài ra, các cửa hàng online còn giảm giá vận chuyển hoặc vận chuyển miễn phí. Lý do, nới lỏng giãn cách việc mua – bán hàng hóa dễ dàng hơn nên không thể tăng giá.