Gánh nặng ung thư trong đại dịch

Đức Trân 09/10/2021 06:35

Đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng vô cùng lớn tới hầu hết mọi người. Đối với bệnh nhân ung thư, vượt qua đại dịch còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Người cao tuổi dễ bị tổn thương hơn

Theo BS Lê Văn Thành, Bệnh viện K, ung thư và đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ là những gánh nặng sức khỏe, kinh tế, xã hội mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21. Trong khi cả thế giới đang phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu tỉ lệ tử vong do đại dịch gây ra, thì ung thư vẫn âm thầm gây ra cái chết của hàng triệu người mỗi năm.

Cơ thể người đã phát triển hệ thống miễn dịch nhiều lớp để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân ngoại lai cũng như các tế bào bất thường trong cơ thể. Tuy nhiên, tế bào ung thư và SARS-CoV-2 có nhiều cách khác nhau để thoát khỏi sự chống trả quyết liệt của cơ thể, nhờ đó chúng có thể tiếp tục nhân lên.

Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, trong giai đoạn ủ bệnh, các kháng nguyên trên bề mặt tế bào biểu hiện ở mức độ tối thiểu, nên hệ miễn dịch không thể nhận diện và tấn công virus. Quá trình này kéo dài vài ngày (2-4 ngày với biến thể Delta), trước khi virus chuyển sang trạng thái hoạt động và gây bệnh. Mặt khác, đột biến là một phần bình thường trong vòng đời của virus SARS-CoV-2, xảy ra trong quá trình virus nhân lên và lây nhiễm. Sự đột biến cho phép virus có thể thoát khỏi sự tấn công liên tục của hệ thống miễn dịch, cũng như làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine

ThS.BS Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cho đến nay, không có báo cáo của hệ thống nào về tỉ lệ mắc Covid-19 hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng cao hơn ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu hạn chế gần đây từ Trung Quốc, Ý và Mỹ, dường như xác nhận rủi ro cao hơn.

Dữ liệu hiện có chỉ ra rằng người cao tuổi dễ bị tổn thương hơn, với các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch hoặc thận mãn tính, tiểu đường, ung thư đang tiến triển và các bệnh mãn tính nói chung.

Triệu chứng có thể trùng lặp

Cụ thể, theo BS Long, người bệnh ung thư đang hóa trị; người bệnh đang được xạ trị trên diện rộng; những người đã cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc trong 6 tháng qua, hoặc những người vẫn đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, những người mắc một số loại ung thư máu hoặc ung thư hệ thống hạch làm tổn thương hệ thống miễn dịch (ví dụ, bệnh bạch cầu mạn tính, ung thư hạch, đa u tủy xương) cần đặc biệt lưu ý để tránh nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 vì nếu nhiễm bệnh có thể tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ các triệu chứng và biến chứng do Covid-19 gây ra đối với bệnh nhân ung thư là nhiều triệu chứng của Covid-19 trùng lặp với các triệu chứng ung thư. Các triệu chứng của Covid-19 bao gồm: Sốt; Ớn lạnh; Khó thở; Ho; Đau nhức cơ thể hoặc cơ; Đau đầu; Mất vị giác hoặc khứu giác; Tắc nghẽn xoang; Sổ mũi; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Tiêu chảy. Đây cũng là những triệu chứng tiềm ẩn và phát sinh trong quá trình điều trị ung thư.

Để bảo vệ bệnh nhân ung thư trước sự tấn công của Covid-19, TS.BS Nguyễn Thanh Bình - Khoa Hóa trị liệu và bệnh máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng: Chúng ta đều biết rằng khi một người có một tình trạng bệnh lý nền tiềm ẩn, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim mạch sẽ khiến người đó có nhiều nguy cơ tiến triển nặng và rất nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó câu trả lời ngắn gọn đối với hầu hết người trưởng thành bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư là nên tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, nhưng đối với các bệnh nhân ung thư và đang điều trị ung thư, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ điều trị của mình trước khi tiêm liều đầu tiên của bất kỳ loại vaccine nào. Loại ung thư và phương pháp điều trị của bệnh nhân sẽ là một yếu tố để xem xét. Bác sĩ điều trị ung thư sẽ thảo luận về rủi ro, lợi ích, lịch trình và những điều bệnh nhân ung thư nên lưu ý trước khi tiêm liều vaccine đầu tiên.

Mặc dù vậy, theo BS Bình, điều quan trọng cần lưu ý là những bệnh nhân ung thư có xu hướng bị suy yếu hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Hiện tại, vaccine mRNA cung cấp khả năng bảo vệ 94 - 95% khỏi SARS-CoV-2 trong khi vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa Covid-19 vừa và nặng sau 28 ngày tiêm chủng và 85% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện. Nhưng rất khó để biết liệu bệnh nhân ung thư có cùng mức độ đáp ứng đó hay không.

“Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục tuân theo các khuyến nghị về an toàn trong một thời gian nữa, bao gồm vệ sinh tay đúng cách, tuân thủ các nguyên tắc về giãn cách xã hội và thể chất cũng như tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả sau khi đã được tiêm phòng” - BS Bình nhấn mạnh.

Đối với nguyên tắc phòng bệnh cho bệnh nhân ung thư cũng tương tự như mọi người, tuy nhiên, do đặc thù bệnh lý nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, chia thành nhiều bữa, đủ đạm, nhiều rau củ quả,… uống đủ nước, các loại nước ép trái cây. Nếu đang bị suy dinh dưỡng cần bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư giàu năng lượng, đạm, Các thực phẩm giàu Omega-3, argrinin, kẽm, các vitamin và vi chất. Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần, duy trì giấc ngủ đủ thời gian 6 - 8 tiếng. Cần nỗ lực duy trì lâu dài và đều đặn để hệ miễn dịch vững vàng và hiệu quả, tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư điều trị bệnh mùa dịch.

Đức Trân