Giảm nghiện game online cho con bằng cách nào?
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh nhiều địa phương phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến. Tiếp cận với máy tính thời gian dài, không ít học sinh tìm đến trò chơi trực tuyến (game online) kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí mất kiểm soát.
Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng, sau thời gian học trực tuyến, con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình cảm thấy “mất con” khi những đứa trẻ này cả ngày vùi đầu vào game.
Trẻ nghiện game có chiều hướng gia tăng
Hơn 2 tuần nay, vợ chồng anh Phạm Hoàng Giang (quận Ba Đình, Hà Nội) phải chia ca, túc trực ở nhà để quản lý con học trực tuyến sau khi phát hiện con lén lút chơi game trong giờ học. Con trai anh Giang năm nay học lớp 7, từ khi được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh và máy tính để học trực tuyến, cậu bé lúc nào cũng “dán mắt” vào các thiết bị công nghệ.
Anh Giang cho biết, thời khóa biểu học trực tuyến của con được sắp xếp từ sáng đến chiều. Ngoài ra, buổi tối, con còn phải làm bài tập trực tuyến trên các phần mềm. Cả ngày ôm máy tính, anh Giang thấy con có nhiều biểu hiện bất thường: Liên tục kêu mỏi mắt, ngủ ít, thậm chí bỏ bữa, cáu gắt với mọi người xung quanh. Ban đầu, vợ chồng anh Giang nghĩ rằng con căng thẳng do phải học nhiều. Nhưng thực tế, sau vài ngày dành thời gian quan sát, anh chị giật mình khi biết con bỏ bê việc học, thường xuyên tham gia vào một hội game. Anh Giang chia sẻ: “Nhiều lần tôi bắt con tắt máy tính, thậm chí chấp nhận cho con nghỉ buổi học trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ được vài giờ đồng hồ, khi bố mẹ đi làm, cu cậu lại tự tìm cách mở máy để chơi game, dù chúng tôi đã liên tục thay đổi mật khẩu máy tính, điện thoại”.
Cảm thấy bất lực không chỉ là tâm trạng của vợ chồng anh Giang mà còn của nhiều ông bố, bà mẹ có con nghiền game trong thời gian học trực tuyến. Thậm chí có không ít gia đình than vãn rằng, họ cảm thấy “mất con” khi con cả ngày vùi đầu vào game online. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều mẹ đăng đàn tâm sự rằng: “Sau một năm con học trực tuyến, con đã trở thành game thủ. Cả nhà náo loạn từ đây…”.
Được biết, tình trạng bệnh nhân tìm đến các bác sĩ tâm lý để điều trị do nghiện game có chiều hướng gia tăng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trong số bệnh nhân bác sĩ Mai tiếp nhận thời gian gần đây có tới 40-50% trường hợp liên quan tới game, chủ yếu ở lứa tuổi từ 6-10 tuổi. Bệnh nhân thường có chung triệu chứng: Bị các tật về mắt, rối loạn hành vi, giấc ngủ, thậm chí bị ảo giác.
Nghiện game có điều trị được không?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70-80%, trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiệm game chiếm khoảng 10-15%. WHO cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.
Ôm máy tính hàng chục giờ đồng hồ, thậm chí thâu đêm suốt sáng dẫn đến kiệt quệ cả về tinh thần và sức khỏe, không kiểm soát được hành vi, phát sinh ảo giác là thực trạng đáng buồn mà nhiều học sinh, sinh viên nghiện game online phải nếm trải. Đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Đơn cử như vụ việc bé trai 5 tuổi (ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay vào đầu tháng 6/2020 khiến dư luận bàng hoàng. Nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân chính là một học sinh đang học lớp 11, nghiện game và muốn thực hiện theo các hành động trong game.
Những tác hại từ việc nghiện game đối với học sinh, sinh viên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên bản chất của game khi ra đời chỉ đơn thuần là một trò chơi điện tử mang tính chất giải trí cao. Thực tế, game là ngành công nghiệp “không khói”, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi game online ra đời với nhiều biến tướng dẫn đến việc khó kiểm soát như hiện nay.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, việc quản lý trò chơi điện tử trên mạng được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP bổ sung sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc quản lý trò chơi trên mạng internet thời gian qua vẫn còn những lỗ hổng mà rõ nhất là để xảy ra tình trạng lợi dụng game online để tổ chức đánh bạc trái phép.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai nhìn nhận, chơi game có thể giảm căng thẳng cho học sinh khi phải học quá lâu hoặc bị hạn chế ra ngoài trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên khi chơi game đến mức độ nghiện, trở thành bệnh lý thì việc điều trị rất kỳ công, đòi hỏi nỗ lực lớn của bản thân trẻ, cha mẹ và người thân xung quanh. Vì vậy, bác sĩ Mai khuyến cáo, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con, thậm chí chấp nhận hi sinh cả công việc để quan tâm, để mắt tới con. Thay vì cấm đoán, đánh mắng, cha mẹ hãy chơi cùng con, khuyên nhủ con nhẹ nhàng để con không bị tách biệt bởi thế giới ảo từ game online.
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý giáo dục, Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội: Siết chặt cấp phép các game bạo lực
Với 15 năm nghiên cứu về game và các bệnh lý liên quan tới game, tôi khẳng định, bản chất của game không xấu và chơi game không phải là hành vi lệch lạc nếu chơi đúng theo thời gian khuyến cáo. Vậy chơi game như thế nào là đủ? Game có 3 loại: Game khoa học mang tính giải trí, giáo dục tốt; game offline gây mức độ nghiện trung bình; và game online dễ gây nghiện. Bởi hầu hết những người làm game online thường tạo ra cơ chế gây nghiện để thu hút người chơi.
Nếu trẻ chơi game online dưới 2 tiếng 1 ngày là chưa nghiện, còn chơi trên 2 tiếng là nghiện và từ 4 tiếng trở lên là nghiện nặng. Trước đây, tôi thường can thiệp ở độ tuổi học sinh bậc THPT, nhưng hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh học trực tuyến thì nhiều em mới chỉ học lớp 4 đã có biểu hiện nghiện game và tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng. Tác hại của nghiện game online không chỉ là gây cho người chơi các bệnh như giảm trí nhớ, khó tập trung, teo não, rối nhiễu cảm xúc, rối nhiễu tâm trạng mà còn bỏ lỡ cơ hội, đánh mất đi tương lai của đứa trẻ đó.
Nhiều người đặt câu hỏi, nghiện game có chữa trị được không? Tôi cho rằng, điều này phụ thuộc tình yêu của cha mẹ dành cho con cái có đủ lớn hay không. Việc đầu tiên, cha mẹ cần phải hiểu được bản chất và cấp độ của nghiện game để có cách phòng, chống cho con mình ngay từ tuổi mẫu giáo. Thông thường trong số ca cần can thiệp tìm đến tôi, các em đã nghiện game rồi thì tùy thuộc vào bệnh lý, có ca dùng liệu pháp tâm lý nhưng ca nặng cần đến y học và một số loại thuốc. Vì vậy, cha mẹ cần làm gương trong thói quen sử dụng điện thoại, đề ra nguyên tắc, quy định về quản lý giờ chơi đối với con. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn nhằm siết chặt cấp phép đối với các game bạo lực, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Biến game thành những hoạt động học tập có mục đích
Có 4 dấu hiệu nhận diện một trẻ nghiện game là đứa trẻ đó luôn nghĩ về game, lúc nào cũng tìm cơ hội để chơi, sử dụng; cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi, không được sử dụng; sa sút học tập, giảm chất lượng công việc, mất các mối quan hệ có ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game; chơi game quá 6 tiếng/1 ngày.
Đối với trẻ nghiện game, thế giới ảo rất có thể dần thay thế cuộc sống thật và gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập, công việc; trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu, vấn đề về giấc ngủ… Việc chơi game có thể được kiểm soát bởi chính người chơi, sự hỗ trợ của mọi người xung quanh hoặc hỗ trợ can thiệp của các chuyên gia chuyên môn.
Khi trẻ có dấu hiệu nghiện game, thông điệp dành cho cha mẹ: Hãy là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát sử dụng game; cần dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ game. Cha mẹ cũng cần dành thời gian quan tâm, xây dựng mối quan hệ chất lượng với trẻ để có thể sớm phát hiện những vấn đề khó khăn tâm lý của trẻ và có những hỗ trợ kịp thời bởi các chuyên gia có chuyên môn; hướng trẻ đến những hoạt động giao tiếp lành mạnh như giao tiếp với mọi người, đọc sách, thể thao, du lịch, trại hè, hoạt động từ thiện...
Thay vì cấm trẻ chơi game, cha mẹ có thể biến game thành những hoạt động học tập có mục đích. Ví dụ, với những người trầm cảm có thể lợi dụng game Pokemon để giúp họ ra ngoài đường và tham gia hoạt động xã hội qua đó cải thiện tâm trạng. Hoặc người ta có thể xây dựng game dưới dạng thực tại ảo và thực tại tăng cường để giúp cho học sinh cuối cấp chưa có trải nghiệm nghề nghiệp được nhập vai vào các vị trí công việc, tìm hiểu xem mình có thực sự phù hợp với 1 nghề trong tưởng tượng hay không.
N. Hoài(ghi)