Thị trường ngóng Mobile Money

H.Hương 09/10/2021 09:46

Giới chuyên gia nhận định, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến “công dân số” và “xã hội số” khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân.    

Dịch vụ Mobile Money đang được hoàn tất để tiến tới cấp phép triển khai trong tháng 10 này. Đây được coi là cách nhanh nhất để “phủ sóng” thanh toán không tiền mặt.

Thêm công cụ thanh toán

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile Money), NHNN cũng nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động này là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông (MobiFone). Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, NHNN cũng đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 Bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

Mobile Money là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động). Hình thức thanh toán này rất thuận tiện, nhưng phải đảm bảo an toàn để tránh bị lợi dụng, dẫn đến tiêu cực. Vì vậy theo khẳng định của ông Đào Minh Tú, cần phải có sự thống nhất từ 3 cơ quan là NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi đưa ra quyết định cấp phép.

Theo thông tin ban đầu, để có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money, mỗi khách hàng mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp (DN) viễn thông thực hiện thí điểm. Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ. Tổng hạn mức giao dịch cho một tài khoản loại này không được quá 10 triệu đồng/tháng cho tất cả giao dịch gồm rút tiền, chuyển tiền, thanh toán.

Khách hàng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại điểm kinh doanh của DN tham gia thí điểm (trong đó, các điểm kinh doanh được lựa chọn theo tiêu chí), từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng có thể rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng, ví điện tử và tại các điểm kinh doanh.

Bình luận về việc Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho hay, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân.

Lấp các khoảng trống

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ dịch vụ Mobile Money xét về cả phía cung và cầu. Về phía cung, hiện Việt Nam đã có một số lượng thuê bao di động khá lớn, cùng với đó mạng điện thoại di động đa được phủ sóng hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng như xác thực sinh trắc (vân tay, khuôn mặt…), mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization).

Về phía cầu, Việt Nam hiện còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam mới có khoảng trên 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam vẫn còn cao (đến cuối năm 2019 tỷ lệ này là 11,33%). Đồng thời, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực…

Với sự ra mắt của Mobile Money, mục tiêu thanh toán không tiền mặt chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, vùng sâu, nơi mà các ngân hàng chưa “vươn” tới được, thì Mobile Money được xem là “lực đẩy” cho mục tiêu này khi có thể bù đắp được khoảng trống thanh toán không dùng tiền mặt ở những địa bàn nói trên, thúc đẩy tài chính toàn diện theo chủ trương của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, Mobile Money được phục vụ nhu cầu thanh toán và chuyển tiền các món có giá trị nhỏ. Như vậy loại hình này còn thúc đẩy thói quen thanh toán trực tuyến, tác động tích cực tới thị trường thanh toán không tiền mặt, điều này nhìn xa thì ngân hàng sẽ hưởng lợi.

Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, khi Chính phủ cho phép triển khai Mobile Money để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn.

Vấn đề mà các chuyên gia lo ngại nhất khi thí điểm Mobile Money là việc đảm bảo an toàn cho người dùng trước những hành vi lừa đảo, tấn công tài chính. Thực tế, tại một số quốc gia, nhiều người dân ở nông thôn - vốn hiểu biết hạn chế về tài chính đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua Mobile Money. Một nghiên cứu chỉ ra chỉ cần 20-30% trong tổng số gần 125 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng tiền luân chuyển qua “kênh” Mobile Money có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng. Do vậy cần có cách đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, với sự đơn giản, tiện lợi, các phương tiện thanh toán mới thông qua di động, nhất là Mobile Money sẽ tăng trưởng mạnh so với ví điện tử và thẻ ngân hàng. Thực tế, rất nhiều người sẵn sàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vu bằng ví điện tử thay vì thông qua thẻ hay chuyển khoản ngân hàng, nhất là với những giao dịch nhỏ.

Bởi vậy, khi triển khai dịch vụ, các khuôn khổ pháp lý nên bao gồm các yêu cầu và biện pháp bảo vê cụ thể hơn, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money phải tuân thủ đảm bảo quyền lợi bảo mật cho người dùng. Đặc biệt việc lưu trữ thông tin tài chính cá nhân của người dùng cùng các biện pháp bảo đảm trong một cơ sở dữ liêu an toàn và bảo vệ các thông tin đó khỏi các hacker.

Trong Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó, DN thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.

H.Hương