Afghanistan: Thách thức đối với Taliban trước vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo Shia ở tỉnh Kunduz
Một kẻ đánh bom liều chết của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã tấn công vào một nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite ở miền Bắc Afghanistan hôm 8/10 (giờ địa phương), khiến ít nhất 46 người dân tử vong.
Vụ nổ đã xé nát nhà thờ Hồi giáo Gozar-e-Sayed Abad đông đúc ở tỉnh Kunduz giữa các buổi cầu nguyện trưa ngày 8/10, điểm nhấn của tuần lễ tôn giáo Hồi giáo. Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt vụ đánh bom và xả súng của lực lượng IS nhằm vào các nhà cầm quyền Taliban mới của Afghanistan, cũng như các tổ chức tôn giáo và người Shiite thiểu số kể từ khi quân đội Mỹ và NATO rời đi vào tháng 8 năm nay. Theo hãng thông tấn Aamaq, trong một tuyên bố nhận trách nhiệm của mình, lực lượng IS khu vực xác định kẻ đánh bom là một người Hồi giáo Uygher.
Anh Hussaindad Rezayee, một người dân trong khu vực đã vội vã chạy đến nhà thờ Hồi giáo ngay khi nghe thấy tiếng nổ, chỉ từ lúc những lời cầu nguyện bắt đầu. “Tôi đến để tìm người thân của mình, nhà thờ Hồi giáo đã chật kín người.”
Đối thủ trực diện của các tay súng Taliban, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào người Shia trong nỗ lực kích động bạo lực giáo phái ở đất nước Afghanistan chiếm đa số người Sunni.
Ngay cả trước khi Mỹ đứng đầu rút quân, Nhà nước Hồi giáo đã coi Taliban là một đối thủ trong khu vực và ý thức hệ, với một số nhà quan sát cảnh báo rằng tổ chức này sẽ phát động một chiến dịch gia tăng bạo lực nhằm gây bất ổn cho chế độ mới.
Một trong những điểm gây tranh cãi gay gắt nhất là tham vọng của Taliban trong việc xây dựng một tiểu vương quốc trong biên giới quốc gia của Afghanistan, một mục tiêu hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Nhà nước Hồi giáo về một caliphate – thể chế nhà nước Hồi giáo xuyên quốc gia. IS và lực lượng Taliban, những kẻ đã giành quyền kiểm soát đất nước trước sự rút lui của quân đội nước ngoài, là những đối thủ chiến lược. Các tay súng IS đã nhắm vào vị trí của Taliban và đang nỗ lực cố gắng tuyển mộ thêm các thành viên gia nhập hàng ngũ của chúng.
Trong quá khứ, Taliban đã cố gắng kiểm soát mối đe dọa trước IS, song song với các cuộc không kích của Mỹ và Afghanistan. Vụ tấn công xảy ra vào ngay chính thời điểm quan trọng, khi Taliban đang nỗ lực củng cố quyền lực và biến các chiến binh du kích của họ thành một lực lượng cảnh sát và an ninh có tổ chức. Nhưng trong khi nhóm cố gắng thể hiện một bầu không khí quyền lực thông qua các báo cáo về các cuộc đột kích và bắt giữ các thành viên IS, vẫn chưa rõ liệu nhóm có khả năng bảo vệ các mục tiêu mềm, bao gồm cả các cơ sở tôn giáo hay không.
Chính quyền Biden đã lên án vụ tấn công hôm 8/10 của IS, “Người dân Afghanistan xứng đáng có một tương lai không còn khủng bố”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Ở Kunduz, các quan chức cảnh sát vẫn đang thu gom các mảnh vỡ từ hôm vụ tấn công ngày 8/10 tại Nhà thờ Hồi giáo Gozar-e-Sayed Abad. Số người chết được ghi nhận là 46 người, con số cao nhất trong một cuộc tấn công kể từ khi quân đội nước ngoài rời khỏi Afghanistan, cùng với đó là hàng chục người khác bị thương.
Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan đã lên án vụ tấn công là "một phần của mô hình bạo lực đáng lo ngại" nhằm vào các cơ sở tôn giáo.
Một giáo sĩ Shiite nổi tiếng, ông Sayed Hussain Alimi Balkhi, đã kêu gọi Taliban bảo đảm an ninh cho người Shiite ở Afghanistan. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi mong đợi lực lượng an ninh của chính phủ cung cấp an ninh cho các nhà thờ Hồi giáo.”
Ông Dost Mohammad Obaida, phó cảnh sát trưởng tỉnh Kunduz cam kết sẽ bảo vệ các dân tộc thiểu số trong tỉnh, “Tôi đảm bảo với những người anh em Shiite của chúng tôi rằng Taliban đã chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo an toàn cho họ.”
Động thái mới của các tay súng Taliban, ít nhất là ở Kunduz, trái ngược hẳn với lịch sử được ghi chép rõ ràng về các chiến binh Taliban thực hiện hành vi tàn bạo đối với các nhóm thiểu số, bao gồm cả người Hazara. Taliban, lực lượng hiện cảm thấy sức nặng của sự thống trị, đã sử dụng các chiến thuật tương tự như của IS trong cuộc nổi dậy kéo dài 20 năm của chúng, bao gồm các vụ đánh bom liều chết và phục kích.
Đầu tuần này, một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy Taliban đã giết hại bất hợp pháp 13 người Hazara, trong đó có một cô gái 17 tuổi ở tỉnh Daykundi, sau khi các thành viên của lực lượng an ninh chính phủ cũ đầu hàng.
Tại tỉnh Kunduz, người Hazaras chiếm khoảng 6% trong số gần 1 triệu dân của tỉnh. Tỉnh này cũng có một số lượng lớn người dân gốc Uzbekistan là mục tiêu tuyển mộ của IS, vốn liên kết chặt chẽ với Phong trào Hồi giáo chiến binh của Uzbekistan.
IS đã từng tuyên bố thực hiện hai vụ đánh bom chết người ở Kabul, bao gồm vụ đánh bom kinh hoàng ngày 26/8 khiến ít nhất 169 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul trong những ngày cuối cùng của cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan.
Bên cạnh đó, lực lượng này cũng thừa nhận một vụ đánh bom bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo Eid Gah ngày 3/10 ở Kabul khiến ít nhất 5 dân thường thiệt mạng. Một cuộc tấn công khác nhằm vào madrassa, một trường học tôn giáo ở tỉnh Khost đã không được tuyên bố.