Gặp lại hai cây bút nổi tiếng viết về Hà Nội

Thanh Xuân 10/10/2021 08:34

Hai bậc “trưởng lão” của làng văn là nhà văn Hà Ân và nhà văn Tô Hoài đều đã đi xa. Vì thế, gặp lại ở đây là gặp lại những tác phẩm nổi tiếng của hai vị tiền bối, những cuốn sách về Thăng Long – Hà Nội mà nhà văn Hà Ân và Tô Hoài đã viết.

Dịp này, rất may, bộ đôi tiểu thuyết lịch sử “Người Thăng Long”, “Khúc khải hoàn dang dở” của nhà văn Hà Ân về thời đại nhà Trần và bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Quê người”, “Mười năm”, “Quê nhà” của Tô Hoài về Hà Nội thế kỉ XX vừa được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả. Những cuốn sách được in ấn với hình thức mới, với sự tham gia của các họa sĩ đương đại.

Nhà văn Hà Ân nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử, dã sử và được tặng nhiều giải thưởng văn học. Ông là nhà văn thể hiện xuất sắc nhất đề tài về nhà Trần và cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông oai hùng. Là một người con của Hà Nội, ông đã dành tâm huyết để viết về những vị anh hùng của đất Thăng Long văn hiến. Thành công nhất là bộ đôi tiểu thuyết “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở” - bộ đôi tiểu thuyết xứng đáng là những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long - Hà Nội.

Nhà văn Hà Ân đã cho ta hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: “Quê người”, “Mười năm”, “Quê nhà” là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XX đến khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.

Đó là vùng Bưởi ngoại ô Hà Nội nghèo trong tiểu thuyết “Quê người” trước Cách mạng Tháng Tám. Ngòi bút hiện thực của Tô Hoài đã xây dựng chân thực khung cảnh tiêu điều tàn lụi của làng Hạ. Những người nông dân cần cù chất phác cam chịu sống nhẫn nhục trong nghèo khó. Sang tới “Mười năm”, cũng những người nông dân đó được tập hợp dưới phong trào Ái hữu thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Họ đã tìm thấy sự tự tin, thấy con đường để thay đổi vận mệnh của chính mình.

Cuốn tiểu thuyết “Quê nhà” viết sau cùng lại trở ngược dòng thời gian kể về hoạt động của các nghĩa quân chống lại quân Pháp trong hai lần đánh chiếm Hà Nội. Một số sự kiện lịch sử được nhắc đến gắn với danh nhân lịch sử Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lưu Vĩnh Phúc…, nhưng nhân vật chính yếu của tiểu thuyết là các anh hùng vô danh - những người dân thường, những người thợ dệt làng Hạ và các phường xóm trong thành ngoài nội đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược.

Bộ ba tiểu thuyết được Tô Hoài viết trong gần 40 năm là tác phẩm tiêu biểu của ông - một người Hà Nội, một nhà văn Hà Nội.

Với việc gặp lại và đọc lại hai bộ tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân và Tô Hoài, hẳn tình yêu với Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục được gìn giữ, trân trọng trong tấm tình bạn đọc hôm nay.

Thanh Xuân