Không chủ quan với sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhiều người vì quá lo ngại Covid-19 mà bỏ qua các triệu trứng của sốt xuất huyết, chủ quan không đi khám, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng Trung ương, Covid-19 và sốt xuất huyết (SXH) đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Bệnh Covid -19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần... Còn SXH do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh. Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu...
Tuy nhiên, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra, SXH còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng…Còn đối với bệnh Covid -19 ngoài việc nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở, nặng có thể dẫn đến thiếu ôxy, suy hô hấp. Thông thường sau tiêm vaccine, khoảng 60% người có biểu hiện giả cúm như sốt nóng, lạnh, đau mỏi người, đau đầu. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ xuất hiện 1,2 ngày đầu, rõ nhất là 24 giờ sau tiêm, rồi giảm dần.
“Trong khi dịch Covid đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người bị SXH có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến Covid-19 mà bỏ qua việc thăm khám, xét nghiệm dẫn đến tình trạng có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ dịch chồng dịch”, PGS.TS Trần Thanh Dương cho biết.
Cũng theo BS Dương, SXH không lây trực tiếp từ người sang người như Covid-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.
Được biết, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã cấp cứu cho một bệnh nhân bị SXH nặng do đến viện muộn. Điều đáng nói là bệnh nhân này trước đó sốt cao, đau người nhưng lại không đi khám vì nghĩ phản ứng sau tiêm vacine Covid-19.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai, đây là một trong những sai lầm mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, bên cạnh việc thông báo rộng rãi để nhân dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh SXH Dengue, cần thông tin về các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất mà bệnh nhân có thể đến để được khám bệnh, tư vấn.
Nước ta hiện lưu hành 4 type virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều type. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, thông thường, đa số bệnh nhân mắc SXH có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp diễn biến nặng có biểu hiện như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Đặc biệt, thời điểm này, người dân khi có biểu hiện mắc SXH cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn số 872/DP-DT đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Đồng thời xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, lồng ghép với truyền thông phòng, chống Covid-19 và các hoạt động khác để người dân hiểu rõ các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.