Giữ mạch thông tin giữa tâm dịch

Nguyễn Hoài 10/10/2021 17:19

Nhiều bộ phim tài liệu về dịch Covid-19 thực hiện trong thời gian gần đây đã mang lại nhiều tiếng vang lớn. Từ những bộ phim này, có thể thấy được kinh nghiệm từ một tác phẩm báo chí tuyên truyền trong đại dịch Covid-19.

Sự lựa chọn giữa các ranh giới

Một trong số bộ phim phải kể đến là “Ranh giới” của đạo diễn, nhà báo Tạ Quỳnh Tư. Phim được Đài truyền hình Việt Nam chỉ đạo thực hiện trong nhiệm vụ truyền thông về đại dịch Covid-19. Trong một thời gian ngắn, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ekip đã bay vào Sài Gòn để thực hiện.

Đạo diễn, nhà báo Tạ Quỳnh Tư là một người đi lên từ những bộ phim tài liệu mang đậm hơi thở cuộc sống và chiếm được nhiều cảm tình của khán giả. Những bộ phim như “Nghĩa trang Trường Sơn”, “Hai đứa trẻ”, “Đường về”… đã mang lại cho người xem những hình ảnh và cảm xúc chân thật, ấn tượng nhất.

Bộ phim tài liệu “Ranh giới” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong thời gian vừa qua.

Đạo diễn Tư chia sẻ: “Giữa một rừng thông tin và ngồn ngộn chất liệu hiện thực nghiệt ngã, với tâm thế của người làm nghề, tôi và ekip đã đứng trước rất nhiều lựa chọn. Đầu tiên là lựa chọn địa điểm, cảnh quay, nhân vật, thời lượng, thông điệp và rất nhiều ý tưởng để tạo nên một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh như “Ranh giới””.

Thông thường đối với phim tài liệu, đa số ý tưởng cảnh quay đều được hình thành từ thực địa. Phim “Ranh giới” đã được thực hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt nên chính đạo diễn cũng đứng trước những ranh giới của sự lựa chọn. Cảnh nào quay nhanh, cảnh nào quay chậm, cảnh nào đưa lên, cảnh nào cắt bỏ. Tiết tấu nhịp điệu âm thanh của các cảnh như thế nào? Các nhịp độ gấp gáp hồi hộp hay khoảng lặng đè nặng tâm can người xem. Tất cả đều phải được lựa chọn một cách bản lĩnh để phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất trong việc tuyên truyền. Bởi với những trường tiếp nhận khác nhau của khán giả, với những quan điểm cá nhân đa chiều thì chắc chắn không thể tránh khỏi tranh cãi.

Thực tế, “Ranh giới” là bộ phim tài liệu đã mang lại nhiều ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến khán giả cho rằng đạo diễn đã không làm mờ mặt nhân vật trong những hoàn cảnh đặc biệt, vì thế bộ phim vi phạm nguyên tắc báo chí là không tôn trọng quyền riêng tư của nhân vật. Tuy nhiên, trên thực tế, những người hoạt động báo chí cũng sẽ có quyền đặc biệt khi tác nghiệp trong vùng đỏ trong điều kiện thiên tai dịch bệnh. Vừa tôn trọng sự thật, vừa đề cao lợi ích của cộng đồng và chấp nhận những sai khuyết trong tác nghiệp cũng chính là bản lĩnh của người làm báo chân chính.

Sau “Ranh giới”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp mang đến cho khán giả phim “Ngày con chào đời”. Ðó là những sản phụ mắc Covid-19 vượt cạn một mình. Vẫn là thông điệp về sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nhưng “Ngày con chào đời” lại khiến khán giả cảm động với sự hy sinh của người mẹ và cả những người mẹ thứ hai - các y, bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh khi sinh ra không được gần mẹ, cha, người thân.

Và còn rất nhiều phim tài liệu về dịch Covid-19 tạo được tiếng vang, đó là “Niềm tin vững bước”, “Dã chiến và ngày về”, “Cùng nhau vượt qua đại dịch”, “Lựa chọn của tôi”, “Trở về cuộc sống”... Mỗi thước phim là một lát cắt về cuộc sống mùa dịch, với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả những ấm áp tình thương.

“Trái ngọt” của sự dấn thân trong đại dịch

Ðằng sau những thước phim lên sóng phải kể đến sự dấn thân của đội ngũ làm phim. Với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều nhà báo, phóng viên đã xông pha lên tuyến đầu để ghi lại hiện thực cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều người đang tác nghiệp ở vùng dịch hàng tháng trời không được về với người thân, gia đình. Họ lăn xả vào đời sống, chuyển tải những thông tin thời sự nóng hổi, nhằm mang lại nhiều thông tin bổ ích cho cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Một số phóng viên, nhà báo đã bị lây nhiễm Covid-19 trong khi tác nghiệp, như anh Bùi Trọng Nhân của kênh VOV Giao thông tại TP Hồ Chí Minh.

Quá trình tác nghiệp của đoàn làm phim, ghi lại cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân trong phim tài liệu "Ranh giới".

Trong bối cảnh đó, ekip làm phim tài liệu “Ranh giới” của của Đài Truyền hình Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chí chuyển tải thông tin và tạo ra sức lan toả cho tác phẩm của mình. Bộ phim lay động hàng triệu con tim người xem và có sự tác động nhất định đến các quyết sách về phòng, chống dịch cũng như ý thức, suy nghĩ của người dân. Trong bộ phim này, đạo diễn đã có góc nhìn riêng, vừa thể hiện chính kiến và quan điểm của người làm nghề trong tác phẩm, vừa tôn trọng sự thật và đề cao mục đích tuyên truyền vì cộng đồng.

Nhà báo tác nghiệp trong đại dịch luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, hiểm nguy và điều kiện hết sức hạn chế. Tuy nhiên, họ cũng phải xác định nhiệm vụ trước tiên của mình là làm sao tuyên truyền thật hiệu quả. Đồng thời phải luôn có quan điểm đúng đắn, tuân thủ đạo đức, pháp luật, quy cách làm nghề trong việc xây dựng tác phẩm báo chí, thì những sản phẩm tạo ra mới có sức nặng.

Qua các tác phẩm báo chí, người dân quan tâm đến truyền thông hơn vì những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Có được niềm tin này, các cơ quan truyền thông đã cố gắng chuyển tải những thông tin nhanh và chính xác nhất; những nội dung phản ánh sâu, chân thực từ tâm dịch, ghi nhận được tiếng nói của những người trong cuộc. Trên các trang báo in và báo điện tử, những hình ảnh đăng tải và nội dung phản ánh ở các khu cách ly, các bệnh viện điều trị khiến người đọc cảm nhận chân thực hơn tình hình, có thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch, lan tỏa được những tấm gương hy sinh, lòng tốt và sự chia sẻ trong những thời khắc nguy nan nhất.

Các phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã không ngại dấn thân, vào tận nơi nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều tuyến bài tuyên truyền về những câu chuyện tử tế, hành động đẹp, khơi dậy nghĩa tình và nhân lên niềm tin trong nhân dân. Những thông tin qua báo chí khiến người dân hành xử đúng đắn, tiếp cận các thông tin bổ ích để cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn 2769/BTTTT-CBC, về tăng cường kỷ luật truyền thông trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là lý do mà thời lượng phát sóng của các báo hình và độ phủ của báo điện tử, báo in về đại dịch luôn ở mức cao kỷ lục trong hai năm qua, nhất là thời điểm nóng nhất về dịch bệnh.

Nguyễn Hoài