9X dùng tăm tre làm mô hình tặng vợ nhân kỷ niệm 13 năm quen nhau
Nhân kỷ niệm 13 năm ở bên nhau, anh Đặng Hồng Ron (31 tuổi, Bình Định) đã tự tay làm mô hình trái tim bằng tăm tre để tặng cho người vợ đồng hành cùng mình.
Nhận được món quà ý nghĩa từ chồng, chị Lê Thị Út ngỡ ngàng đến hạnh phúc vì biết bản thân không chọn nhầm người để gửi gắm.
“Vợ tôi vui lắm, khi nhìn thấy món quà độc đáo mang thông điệp ý nghĩa do chính tay tôi làm, vợ tôi ôm chầm lấy tôi hết sức mừng rỡ, hạnh phúc”, anh Ron chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online.
Lấy cảm hứng từ tăm tre
Nói về niềm đam mê bất tận với tăm tre, anh Ron cho biết, năm 2012 anh tình cờ xem được một chương trình người nước ngoài sử dụng tăm tre để tạo nên tiểu cảnh. Thích thú với những mô hình làm từ tăm tre sẵn có những chai thủy tinh không dùng đến, anh Ron tìm cách làm mô hình tăm tre trong chai thủy tinh. Sản phẩm làm ra được mọi người thích thú đón nhận.
Anh kể, sản phẩm đầu tay là chiếc thuyền trong chai kính tuy không có nhiều chi tiết cầu kỳ song đây là động lực để anh Ron nghĩ đến việc thực hiện những mô hình tiếp theo. Dần dà, để nâng cao tay nghề, anh Ron thử sức làm mô hình khó hơn nhưng trong quá trình làm liên tục bị lỗi. Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu cách thực hiện. Nhiều năm qua, anh cặm cụi tạo hình nhiều sản phẩm thành công và nhận về nhiều lời khen.
Ngắm nhìn những sản phẩm do chính tay mình làm, anh Ron cho hay để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải tiến hành qua nhiều bước. Trước tiên là chọn chai thủy tinh không màu, kích thước chai thủy tinh phải phù hợp với mẫu mã mô hình định làm, có như vậy sản phẩm làm ra mới cân đối, đẹp mắt.
Tiếp đó, anh sẽ tiến hành đo kích thước mẫu, kích thước từng chi tiết nhỏ nhất, sao cho tương thích với kích thước mong muốn và để khi ráp không bị lệch. Cuối cùng, anh Ron luồn từng que tăm từ miệng chai vào, cố định theo ý muốn và dán keo.
Theo anh, công đoạn khó nhất khi làm mô hình tăm tre trong chai nhựa đó là bước định hình, cố định chi tiết và dán keo. Công đoạn này phải được tiến hành khéo léo tỉ mỉ bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là xem như toàn bộ tác phẩm sẽ phải bỏ đi.
Thông thường để làm một sản phẩm từ tăm tre, anh Ron mất từ 3- 4 ngày. Đối với những sản phẩm cần độ tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết và có kích thước to, anh phải mất thời gian hơn 1 tuần để hoàn thành.
Ngoài nguyên liệu chính là tăm tre, que kem… còn có các dụng cụ khác phải kể đến như: máy khắc chữ, cưa, keo, keo sữa, keo silicone, sơn chống mốc… Tùy vào ý tưởng thiết kế, anh Ron sẽ chọn nguyên phụ liệu đi kèm sao cho phù hợp.
Truyền lửa đam mê
Từ tăm tre, chai thủy tinh bỏ đi… qua bàn tay của anh Ron trở thành những vật dụng, phương tiện, công trình... vô cùng sinh động và đẹp mắt. Anh Vũ Thạch Dương, một khách hàng yêu thích những mô hình tăm tre trong chai thủy tinh chia sẻ: “Tôi thật bất ngờ trước những mô hình do anh Ron làm ra. Nếu không ai giới thiệu chắc mọi người đều nghĩ những mô hình này được làm nên bởi bàn tay của các nghệ nhân. Chúng thật đẹp và có ý nghĩa”.
Hiện nay, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều hình thức khởi nghiệp, làm giàu từ tăm tre. Thế nhưng, qua những tác phẩm của mình, anh Ron chỉ mong muốn truyền cảm hứng tái chế đến những người có cùng đam mê, sở thích.
“Ý tưởng ban đầu của tôi là muốn tái chế lại những chai thủy tinh bỏ đi, nhưng không ngờ khi bắt tay vào thực hiện mô hình tăm tre, tôi lại nhận được nhiều sự ủng hộ từ bạn bè, người thân đến vậy. Càng làm càng mê, từ đấy tôi chỉ muốn được thỏa mãn đam mê của mình và truyền năng lượng đấy cho những người chung sở thích”, anh Ron giãi bày tâm tư.
Đến nay, anh Ron sở hữu khoảng 40 mô hình tăm tre trong chai nhựa. Anh cho biết, tất cả những mô hình này đều được anh nghiền ngẫm, nghiên cứu và dồn toàn bộ tâm huyết để thực hiện, vì vậy anh đã trưng bày chúng ở nơi đẹp nhất của căn nhà. Tuy được tạo nên từ những nguyên liệu đơn sơ song mỗi tác phẩm đều đòi hỏi sự say mê sáng tạo, sự tỉ mẩn đến từng chi tiết.
Trong thời gian tới, anh Ron dự định sẽ thực hiện thêm được nhiều mô hình khác nữa. Anh mong rằng, những tác phẩm của mình sẽ tiếp tục được đón nhận, đồng thời truyền đam mê tái chế, bảo vệ môi trường đến thế hệ trẻ.