TP HCM: Đầu tháng 11 hoạt động trở lại vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định
Ngày 10/10, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh (Sở GTVT TPHCM) có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố lấy ý kiến về hoạt động trở lại vận tải hành khách tuyến cố định, dự kiến đầu tháng 11/2021 sẽ hoạt động trở lại.
Nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, các địa phương nơi đi và nơi đến; đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế - xã hội; với yêu cầu đảm bảo vận chuyển đúng đối tượng, có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng, Sở GTVT TPHCM dự thảo Phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.
Sở GTVT TPHCM đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố xem xét, góp ý hoàn chỉnh dự thảo Phương án; đồng thời báo cáo UBND TPHCM xem xét chỉ đạo về việc tổ chức các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ TPHCM. Sở GTVT TPHCM đề nghị các Sở GTVT các tỉnh, thành phố có văn bản phản hồi trước ngày 15 tháng 10 năm 2021.
Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành phố; Đảm bảo vận chuyển đúng đối tượng, có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Hành khách đi từ TPHCM, phải đáp ứng điều kiện: đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin được 14 ngày (đối với các loại vắc xin tiêm hai mũi) hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid -19 (dưới 06 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe.
Hành khách đến TPHCM, phải đáp ứng điều kiện: có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe;Thực hiện khai báo y tế trước khi lên xe; không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…; Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe: phải đáp ứng các điều kiện nêu trên trừ yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Trên xe phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.
Kết thúc chuyến xe: Trong quá trình di chuyển từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú: luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; Tự theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 07 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Điều kiện: Đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử / PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); Có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xe. Trên xe: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.
Sau chuyến xe (kết thúc hành trình): Trường hợp thực hiện chuyến khứ hồi trong ngày thì không bắt buộc xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Trường hợp phải lưu trú tại địa phương của bến xe đến, nếu cư trú tại địa phương: thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định; Nếu lưu trú tạm thời thì đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Bộ Y tế. Trường hợp chuyến xe có người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng, hành khách dương tính với SARS-CoV-2: thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.
Các đơn vị quản lý bến xe khách trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Người lao động tại bến xe đáp ứng điều kiện Đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử / PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); Người lao động thực hiện việc xét nghiệm theo quy định của ngành y tế; Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế); có bố trí dung dịch rửa tay hoặc bố trí vòi nước có xà phòng cho hành khách vệ sinh. Thành lập Ban chỉ đạo (Tổ công tác), kế hoạch (phương án) an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị; trong đó, có phương án xử lý khi đơn vị có ca nghi và nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố; Thực hiện tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các thông tin về phòng, chống dịch tại nơi làm việc, khu vực bến xe. Vệ sinh, khử khuẩn bến xe định kỳ hàng tuần.
Thời gian hoạt động, giai đoạn 1: từ ngày 1/11 đến ngày 15/11/2021: Tần suất khai thác: tối đa từ 03 đến 05 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến / ngày; Bến xe khách thông tin đến hành khách, bán vé trực tuyến hoặc trực tiếp khi hành khách đủ điều kiện; Số lượng hành khách được chở trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế cho phép theo công suất thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).
Giai đoạn 2:Từ ngày 15/11 đến 30/11/2021: Tần suất khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại của hành khách; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến / ngày; Giai đoạn 3: Sau ngày 30/11 đến hết tháng 12/2021: Tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến (đã được chấp thuận khai thác trước thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg).
Phương thức nhận diện, kiểm soát: Các đơn vị vận tải trên địa bàn TPHCM xây dựng phương án khai thác vận tải hành khách tuyến cố định, đăng ký phương tiện, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT TPHCM để được cấp văn bản và giấy nhận diện để hoạt động liên tỉnh (theo mẫu đính kèm Phụ lục (phụ lục này có 2 mẫu: mẫu QR hoặc mẫu không có QR, nhưng có ký đóng dấu của Sở Giao thông vận tải)./.