Bão Kompasu khả năng thành bão số 8 và mạnh hơn bão số 7

B.Phúc (tổng hợp) 10/10/2021 19:05

Dự báo đêm 11/10 đến rạng sáng 12/10, bão Kompasu sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trên Biển Đông năm 2021.

Vị trí và hướng di chuyển của bão Kompasu. (Ảnh: NCHMF).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 13h ngày 10/10, vị trí tâm bão Kompasu ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 128,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và mạnh thêm. Đến 13h ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 160 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, tiếp tục mạnh thêm và đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 730 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (10/10), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0 m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 13h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km, cường độ bão có xu hướng giảm.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin dự báo đêm 11/10 đến rạng sáng 12/10, bão Kompasu sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trên Biển Đông năm 2021.

Theo ông Khiêm, bão Kompasu di chuyển tốc độ khá nhanh, khoảng 20-25 km/h. Cường độ bão khi vào Biển Đông trước khi vượt qua khu vực Quần đảo Hoàng Sa sẽ ở cấp 10-11, giật cấp 13. Sau khi vượt qua Quần đảo Hoàng Sa, do tác động bởi không khí lạnh, cường độ bão Kompasu có xu hướng suy giảm và đi sâu vào bên trong, cường độ bão tiếp tục giảm thêm 2-3 cấp.

"Khi đi vào gần bờ biển đất liền, dự báo cường độ bão Kompasu sẽ ở cấp 9. Hướng di chuyển của cơn bão này được dự báo đi vào khu vực giữa Bắc Bộ và chếch xuống khu vực Trung Trung Bộ. Đây là dự xa, còn dự báo tin cậy hơn sẽ là từ 24-48 tiếng", ông Khiêm cho biết.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Theo TTXVN, ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống mưa, bão.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an trong hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ Bộ phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, các bộ, ngành để thông tin kịp thời cho người dân về diễn biến cơn bão để làm sao người dân đến vùng bão thì dừng lại, địa phương mời nhân dân về các nhà văn hóa, trường học và sau khi hết bão thì mới di chuyển.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh cuộc họp hôm nay nhằm nắm bắt tình hình, kết quả triển khai công tác dự báo, công tác chỉ đạo và ứng phó hoàn lưu bão số 7, chuẩn bị các biện pháp để thực hiện thật tốt việc phòng, chống bão số 8, được dự báo là có cường độ mạnh hơn, di chuyển nhanh hơn, ảnh hưởng rộng hơn.

Phó Thủ tướng ghi nhận từ Trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, chủ động ứng phó với bão số 7, nên tính đến thời điểm này thiệt hại do bão số 7 được hạn chế ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7, không được chủ quan, bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục gây mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo, một khâu rất khó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do đó, cần tiếp tục tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị cho công tác này; cần tăng cường công tác thông tin, tham mưu, báo cáo kịp thời, cập nhật thường xuyên, liên tục để có chỉ đạo nhất quán từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai tới các bộ, ngành, địa phương.

“Nếu dự báo chậm trễ do thiếu trang thiết bị, do chủ quan, không bám sát thì có thể gây ra hậu quả lớn. Thực tế ở địa phương, người dân rất tin tưởng vào dự báo của chúng ta,” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ.

Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem sơ đồ đường đi của bão số 7. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Trước mưa lớn do các cơn bão liên tiếp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình đê điều xung yếu; hỗ trợ người dân đẩy mạnh thu hoạch nông sản; phòng, chống thiên tai cũng cần lưu ý bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao trách nhiệm cho các địa phương đưa ra giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn người về quê trong thời điểm mưa bão.

“Nếu bão vào đúng tuyến đường người dân di chuyển thì việc không có chỗ trú bão rất nguy hiểm,” Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ sớm có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về lưu thông đường bộ, đường sắt liên tỉnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ cần ưu tiên kinh phí đầu tư cho phòng, chống thiên tai; kịp thời bố trí nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa bão.

Sơ đồ đường đi của bão số 7. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Tại cuộc họp, trước thông tin về việc có 2 tàu tại khu vực tỉnh Nghệ An cố tình ở lại trên biển mặc dù đã được kêu gọi về nơi trú tránh bão với lý do phải đi biển 15 ngày mới đủ điều kiện nhận hỗ trợ chi phí tiền dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh để tháo gỡ vấn đề này.

B.Phúc (tổng hợp)