Công bằng cho ‘thẻ xanh’
Các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... vẫn đang áp dụng hình thức qua chốt kiểm soát liên tỉnh, bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đây là quy định đánh đồng giữa những người đã có “thẻ xanh” (chứng nhận tiêm phòng vaccine) với những người chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm mũi nào. Điều đó gây tốn kém cho cộng đồng cũng như những phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Lương 5 triệu đồng, phí xét nghiệm 3 triệu đồng
Do tính chất công việc nên từ 2 tháng nay, tuần nào từ thứ 2 đến thứ 7, anh Hoàng Minh Thanh (ngụ chung cư Marina Tower, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng phải đến công ty của mình đóng trên địa bàn quận 12 (TP HCM) để làm việc.
Anh Thanh cho biết, vì yêu cầu đi qua trạm kiểm soát giữa TP HCM và tỉnh Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, có hiệu lực trong 72 giờ nên cứ 3 ngày anh lại phải đi xét nghiệm một lần, rảnh khi nào, tiện chỗ nào thì xét nghiệm chỗ đó. Nơi rẻ nhất cũng mất gần 250 ngàn đồng, nơi cao lên tới 400 ngàn đồng, trung bình khoảng 300 ngàn đồng/1 lần xét nghiệm. Như vậy mỗi tháng anh Thanh phải mất hết 3 triệu tiền để có tờ giấy thông hành đi đường.
Cũng theo anh Thanh, chung cư nơi anh đang ở, cứ 3 ngày phường lại tổ chức xét nghiệm nhanh cho bà con 1 lần để bóc tách F0 ra cộng đồng, những ai phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay lập tức bị cách ly, những người âm tính được xem như tạm “an toàn”. Vậy tại sao cơ quan chức năng không linh động cho người đi đường dùng hình ảnh người xét nghiệm tại địa bàn cư trú để qua trạm? Hình ảnh trên điện thoại có lưu giờ, phút, ngày cụ thể, đồng thời trong hình còn có bối cảnh lực lượng y tế đang làm nhiệm vụ, người dân xếp hàng chờ xét nghiệm… để cho người dân qua đường mà vẫn cứ cứng nhắc phải có tờ giấy âm tính?. “Rõ ràng đây là việc rất thiếu sáng tạo, gây phiền hà và tốn kém không đáng có cho người dân chúng tôi” - anh Thanh nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ, đang làm việc ở một cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Thủ Đức, lương bậc 2 mỗi tháng cộng phụ cấp hơn 5 triệu đồng nhưng cứ 3 ngày phải xét nghiệm, trung bình mỗi lần xét nghiệm hết gần 300 ngàn đồng, bình quân mỗi tháng phải bỏ ra gần 3 triệu cho việc này. Như vậy, riêng phí xét nghiệm Covid-19 cũng đã hơn nửa số thu nhập hàng tháng.
Mặc dù đã có giấy đi đường do TP HCM cấp nhưng giấy này chỉ có tác dụng trên địa bàn TP HCM, cứ qua chốt kiểm soát liên tỉnh lực lượng chức năng đòi luôn cả giấy xét nghiệm âm tính. Không chỉ tốn rất nhiều tiền, mỗi lần xét nghiệm như vậy, phải đến điểm chờ xét nghiệm rồi đợi có kết quả mới được về, mất rất nhiều thời gian.
“Trong khi tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ đầu tháng 8, mặc dù đã trình chứng nhận tiêm phòng vaccine mũi 2 nhưng vẫn bị yêu cầu tờ giấy âm tính. Cẩn thận, với dịch là điều nên làm nhưng cần thận quá sẽ gây nhiều lãng phí” - chị Nga nói.
Ông Bùi Văn Vương, chủ một công ty vận tải ở huyện Củ Chi (TP HCM) cho hay, công ty ông có 45 xe tải chạy liên tỉnh, trong đó 17 chiếc chuyên chở hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh miền Tây về TP HCM, 18 chiếc chuyên phục vụ hàng ở các tỉnh khác tại Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, 10 chiếc còn lại chở hàng hóa ra Tân Cảng Sài Gòn. Như vậy công ty có 35 chiếc liên tỉnh, mỗi xe như có 2 người, tính chung cả công ty có ít nhất 70 người phải thường xuyên xét nghiệm Covid-19 mà mỗi người 7,5 triệu/tháng, mỗi tháng công ty cũng phải chi trên 500 triệu đồng cho việc này.
“Là một doanh nghiệp vận tải lớn, có số lượng người lao động phải di chuyển nhiều, nếu chỉ để một vài người không may bị nhiễm thì nguy cơ đóng cửa cả công ty rất cao nên ngay từ khi có vaccine, tôi đã “lo” cho anh em đi tiêm ngay. Đến nay, khoảng 90% anh em tài xế đã tiêm xong mũi 2. Nếu áp dụng “thẻ xanh” thay giấy âm tính thì doanh nghiệp như chúng tôi đỡ tốn phí biết mấy” - ông Vương mong muốn.
Thận trọng quá, khó phục hồi kinh tế
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đang bàn thảo với các địa phương giáp ranh để sớm đưa ra phương án hợp lý.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, các sở, ngành cũng đã thống nhất ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh. Theo đó, cho phép chuyên gia, người lao động từ TP HCM và các tỉnh đến Đồng Nai nhưng phải đi bằng xe đưa đón, chưa cho phép đi lại bằng xe cá nhân. Đối với nội dung người lao động đi lại phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày thì tỉnh Đồng Nai hoàn toàn thống nhất với TP HCM.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho rằng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh có mối liên hệ chặt chẽ về lao động, nếu các tỉnh quá thận trọng, mãi đóng cửa việc đi lại, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, người lao động, sẽ rất khó để phục hồi nền kinh tế.
“Muốn phục hồi sản xuất, lĩnh vực vận tải cần phải mở trước một bước, chậm lưu thông ngày nào sẽ thiệt hại ngày đó. Do vậy cần nhanh chóng mở lại vận tải ở các vùng kinh tế và các địa phương có điểm tương đồng về tỉ lệ tiêm vaccine cũng như về tình hình phòng, chống dịch, đặc biệt là các tỉnh kế cận với TP HCM” - ông Tính đề nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉ lệ những người đã tiêm vaccine so với người chưa tiêm mũi nào bị mắc Covid-19 là rất thấp, nhưng cách áp dụng để qua trạm kiểm soát phải có giấy chứng nhận âm tính như hiện nay vô tình đã đánh đồng những người tiêm đủ vaccine với những người chưa tiêm. Đã đến lúc cần phải “cởi trói” chuyện đi lại cho người lao động nói riêng và người dân đã tiêm vaccine, và chỉ nên yêu cầu thêm giấy xét nghiệm âm tính trong trường hợp thực sự cần thiết. Không chỉ mở ra để nhóm “thẻ xanh” đi lại liên tỉnh làm việc, mà còn phải tạo điều kiện để được đi xe khách, tàu hỏa, máy bay khi có nhu cầu.