Không cát cứ, không chia cắt

Nam Việt 11/10/2021 06:10

Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine; khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn… Thủ tướng nhấn mạnh, việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược đã được thống nhất là từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Khi đất nước đã chuyển trọng tâm sang mở cửa, “sống chung với Covid” thì một trong những yêu cầu hàng đầu là phải thông thoáng với sự thống nhất ở tất cả các địa phương trong cả nước, mà giao thông vận tải là lĩnh vực cần triệt để thực hiện. Giao thông vận tải ví như mạch máu trong cơ thể, không thể để tắc nghẽn, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.

Tránh tình trạng dựa vào việc phòng, chống dịch bệnh có địa phương sẽ cát cứ, cục bộ để đặt ra những quy định riêng, Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.

Kể từ khi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 27/4), nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để phòng, chống dịch. Trong đó, việc chốt chặn các cửa ngõ ra vào địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) đôi khi cứng nhắc, khiến việc lưu thông hàng hóa cũng như vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời làm gia tăng bức xúc xã hội.

Ngay trên quốc lộ 1, con đường huyết mạch nối liền đất nước, các địa phương nơi tuyến đường đi qua lại đặt ra những quy định kiểm soát khác nhau. Việc doanh nghiệp vận tải, lái xe phải tìm cách đáp ứng cho đủ các quy định mỗi nơi một khác đã tiêu tốn thời gian, làm tăng giá các mặt hàng cũng như khiến đội ngũ lái xe rất vất vả, tốn kém khi phải làm xét nghiệm nhiều lần, với các loại xét nghiệm khác nhau.

Kể từ 1/10, dịch Covid-19 đã dần được khống chế, kiểm soát, nhiều địa phương đã dần mở cửa để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc thống nhất quy định giữa các địa phương vẫn chưa thực tốt. “Giấy phép con” vẫn tồn tại khiến cho việc đi lại khó khăn. Mới đây nhất, có thể nêu ví dụ về việc “mở cửa bầu trời” cho đường bay nội địa. Có địa phương đề nghị được mở ngay đường bay, có địa phương lại đồng ý một hai phần (theo văn bản của Cục Hàng không), lại cũng vẫn có địa phương chưa muốn mở cửa sân bay. Hà Nội là một trong hai địa phương có sân bay lớn nhất nước, với tấp nập các chuyến bay trước dịch, nhưng cũng chỉ đồng ý mở tuyến bay tới TP HCM và Đà Nẵng. Trong đó hạn chế số chuyến trong ngày, và cũng chỉ áp dụng “thí điểm” trong vòng 10 ngày (từ 10/10 đến 20/10).

Cần phải xác định rõ việc mở cửa để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân là không thể chậm trễ. Nếu vẫn “sợ” dịch, vẫn cát cứ địa phương thì khó khăn vẫn sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Chỉ một địa phương “cát cứ”, “ngăn sông cấm chợ” thì sẽ không thể tạo ra sự liền lạc, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Chính vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt - phải được tất cả các địa phương nghiêm túc chấp hành.

Nam Việt