Không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 khi đi khám bệnh
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Báo chí TP HCM, Sở Y tế thành phố đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan trên địa bàn về hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới.
Theo đó, người bệnh đến khám bệnh tại các cơ sở y tế sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm Covid-19, trừ những trường hợp nghi mắc, nhập viện, thực hiện thủ thuật….
Trước đó, nhiều người dân tại TP HCM phản ánh, khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn đều bắt buộc phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 với chi phí từ 238.000 - 350.000 đồng. Đây được cho là gánh nặng phí, người dân phải oằn lưng gánh trong bối cảnh đời sống kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh Covid-19.
Trong văn bản mới, Sở Y tế hướng dẫn: Khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và các đơn vị điều trị trong ngày của các cơ sở y tế chỉ thực hiện khai báo y tế điện tử, tổ chức phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế; chú ý khai thác các triệu chứng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Đối với trường hợp cấp cứu, cần ưu tiên can thiệp cấp cứu người bệnh ngay, sau khi người bệnh ổn định cần xem xét chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ. Đối với trường hợp cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày (phẫu thuật trong ngày, chạy thận nhân tạo, kỹ thuật có tạo khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày, khám chữa bệnh răng miệng) có chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện, các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh được điều trị ngay theo phác đồ tại khu cách ly tạm của Khoa Khám bệnh hoặc buồng cách ly của các khoa lâm sàng.
Lưu ý, đối với trường hợp người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại các khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày hoặc có chỉ định nhập viện, nếu người bệnh và người chăm sóc đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và không có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì không cần làm xét nghiệm lại.
Cùng với đó, các cơ sở y tế cần thực hiện xét nghiệm tất cả nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh Covid-19, nhân viên xử lý mẫu bệnh phẩm, xử lý đồ vải, rác thải lây nhiễm, nhân viên các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao (khoa cấp cứu, khoa hồi sức, khoa truyền nhiễm, khoa hô hấp, khoa thận nhân tạo, khoa khám bệnh, bộ phận sàng lọc) bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR 7 ngày một lần, mẫu gộp 10. Với các bộ phận còn lại, thực hiện xét nghiệm cho ít nhất 20% nhân viên, 20% người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân nội trú bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR 7 ngày một lần, mẫu gộp 10.
Dự kiến cuối tháng 10 sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, cơ quan này xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khẳng định, quan trọng nhất hiện nay là vaccine Covid-19 phải an toàn cho trẻ. Sau đó mới tính đến hiệu quả. Theo ông, công nghệ vaccine liên hợp (dùng nhiều trong vaccine HIB, phế cầu, não mô cầu…) và công nghệ vaccine tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị (nhiều nhất là vaccine viêm gan B tái tổ hợp và vaccine cúm) là các công nghệ tiên tiến và an toàn cho trẻ hiện nay.