Nữ giới chịu nhiều ‘cú sốc’ vì Covid
Dịch Covid-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới. Trong đó lao động nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Đánh giá những ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với lao động nữ, bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam cho biết, trước dịch Covid-19, cả phụ nữ và nam giới đều tiếp cận việc làm khá dễ dàng, nhưng nhìn chung, chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới. Đáng chú ý, lao động nữ chiếm đa số trong những việc làm dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Thu nhập của họ thấp hơn của nam giới bất luận thời giờ làm việc là tương đương và chênh lệch giới về trình độ học vấn đã được thu hẹp đáng kể.
Kết quả nghiên cứu “Lao động phi chính thức trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện mới đây đã chỉ ra rằng, “cú sốc” Covid-19 gây ra sự nghèo đói và bất bình đẳng nặng nề hơn trong xã hội. Trong đó, phụ nữ, lao động di cư, người có tuổi và người ở nhà tạm là đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đánh giá về những tác động tiêu cực đối với phụ nữ, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, tỷ lệ bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ cao tuổi cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương, có nguy cơ diễn biến bệnh xấu khi mắc Covid-19 hơn các nhóm đối tượng khác. Bên cạnh đó, sự gián đoạn công việc, việc thiếu hụt các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi sinh kế của phụ nữ sau đại dịch.
Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành như chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid -19, trong đó luôn ưu tiên hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật,… Đây cũng là việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Việc xây dựng và thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 đều có đánh giá, phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Những chính sách này được triển khai đã phần nào hỗ trợ cho lao động nữ vượt qua khó khăn trước mắt do ảnh hưởng của dịch.
Tuy nhiên theo các chuyên gia những hậu quả về kinh tế -xã hội đối phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi và thanh thiếu niên…rất lớn. Nhất là khi, lao động nữ ở Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có mức thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương, chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình và không có lương. Theo thống kê, trong 2 triệu lao động gia đình, lao động nữ chiếm số đông không được trả lương.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ bền vững cho lao động nữ, bà Hà Thị Nga cho rằng, để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường. Cùng với đó có chính sách đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở đối với lực lượng lao động nữ di cư.