Loại bỏ ‘rác’ trong âm nhạc
Việc sử dụng ngôn ngữ theo cảm hứng, thậm chí là thô tục đang tạo nên những trào lưu âm nhạc “xấu” trong giới trẻ. Ở đó, nếu không thắt chặt các khâu quản lý, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội sẽ gây nên những hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng.
Mối lo rình rập
Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có văn bản gửi Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xử lý hành vi lưu hành bản ghi hình trên mạng xã hội liên quan đến tài khoản Youtube có tên “Huu Long” đăng tải video bài nhạc rap “Thích Ca Mâu Chí”. Đây là nội dung đã được kênh Youtube “Rap Nhà Làm” đăng tải trước đó.
Theo văn bản, bài nhạc rap “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung, hình ảnh xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm Khoản 2, Điều 3 Nghị định 144 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Thanh tra Bộ xem xét, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức lưu hành bản ghi theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” là 50 triệu đồng, và “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” là 40 triệu đồng. Đồng thời, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm.
Trước đó, liên quan đến ca khúc “Thích Ca Mâu Chí”, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông báo liên quan đến sự việc. Theo thông báo, nhóm tác giả ca khúc “Thích Ca Mâu Chí” đăng trên mạng có nội dung xúc phạm Đức Phật đã đến Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ, Hà Nội) để xin lỗi Giáo hội, toàn thể Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng Phật giáo. Nhóm tác giả này bày tỏ tâm niệm xin sám hối trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời hứa sẽ sửa chữa và không lặp lại sai lầm.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư tôn đức Văn phòng Trung ương Giáo hội đã chứng minh lời xin lỗi, giáo huấn và tác lễ sám hối cho các tác giả bản nhạc rap nói trên. Thượng tọa Thích Đức Thiện đã nghiêm khắc nhắc nhở nhóm các bạn trẻ này cần học hỏi, tìm hiểu một cách nghiêm túc để có nhận thức đúng, từ đó tránh các việc làm, đặc biệt trong sáng tác nghệ thuật, phù hợp truyền thống, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa, tôn giáo của dân tộc cũng như nhân loại, xứng đáng với tinh thần trong sáng của tuổi trẻ.
Qua sự việc trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn mọi người tiếp tục vận động các tác giả, những người đã đăng tải, phát tán trên mạng xã hội những bản nhạc rap khác có nội dung xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm Đức Phật, xúc phạm đạo Phật như: “Party of Buddha” (Bữa tiệc của Phật), “Buddha (dirty)”... hãy chân thành xin lỗi và xóa bỏ ngay lập tức những bản nhạc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hiểm họa khôn lường
Có thể nói, trên môi trường mạng xã hội, việc phổ biến các ca khúc “rác” đang là những mối hoạ rình rập. Trước đó, trên mạng xã hội Tiktok đoạn nhạc “Mua cho con chiếc còng tay” đã tạo nên một làn sóng bất bình từ công chúng. Đoạn nhạc thu hút hơn 720 nghìn lượt xem có nhiều ca từ về quan hệ bố chồng - con dâu. Được biết, phần lời từ đoạn nhạc được trích từ bản Rap “Censored” của Chị Cả (thí sinh King of Rap và Rap Việt) phát hành năm 2020.
Không những vậy, trên Youtube, Facebook, ca khúc được đăng tải với nhiều phiên bản, thu hút hơn hàng trăm nghìn lượt xem. Ngoài “Censored”, nhiều ca khúc có ngôn từ nhạy cảm cũng được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong nước thời gian qua. Như MV “Cypher nhà làm” do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành; ca khúc “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ; bản rap “Tượng” của Rhymastic sử dụng nhiều từ ngữ dung tục…
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ, trước kia khi muốn phát hành ca khúc, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép mới phổ biến tới công chúng. Tuy nhiên, hiện các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV để đăng lên mạng. Thực trạng này cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng. Ở đó chính các ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ, đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ, trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp… để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp. Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề. Vì vậy, tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa thì nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả.
Nhạc sĩ cũng cho rằng, đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại nhạc rác như thế. “Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình nhưng phải có văn hóa, trí tuệ và có nghệ thuật” - nhạc sĩ bày tỏ.