Thú 'săn' hoa Chi Tử Châu cắm bình của người Hà Nội
Sau trào lưu mua cành táo mèo, cành hồng, người dân Thủ đô đổ xô “săn” hoa Chi Tử Châu để cắm bình, trang hoàng nhà cửa.
Hoa Chi Tử Châu hay còn gọi là Tử Châu vốn dùng để trang trí trong vườn. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân Thủ đô lại đua nhau tìm mua loài hoa "lạ" này để cắm vào lọ hoặc bình.
Hoa Tử Châu có lá xanh, điểm xuyết là chùm quả màu tím thơ mộng. Nguồn gốc xuất xứ của hoa là từ miền Đông và miền Đông Nam châu Á, một số ở khu vực Australia và Bắc Mỹ, Trung Mỹ. Hiện nay, hoa Tử Châu được trồng khá nhiều ở Việt Nam.
Đuổi theo trào lưu dùng cành có quả để cắm bình, chị em khéo tay đua nhau “săn” nhiều loài hoa “lạ”. Sau trào lưu mua cành táo mèo, cành hồng, người dân Thủ đô đổ xô “săn” hoa Chi Tử Châu để cắm bình, trang hoàng nhà cửa.
Chị Trần Thị Định (42 tuổi, Hà Đông) không thể bỏ lỡ trào lưu này. Chị cho biết, thời gian gần đây, chị thường “săn” vài bó Tử Châu cắm bình trang trí phòng khách. Chị khoe, hoa Tử Châu không những đẹp mà quả cũng có thể ăn được hoặc để dùng làm thuốc.
Chị chia sẻ, cành Tử Châu không có mùi thế nhưng do hoa đẹp nên thời gian này có rất nhiều chị em nội trợ “săn” loài hoa này. Chị nói muốn thế hoa trông đẹp mắt, người cắm phải cắt thành từng cành nhỏ, tuốt bớt lá. Quả Tử Châu có thể ăn được hoặc làm thuốc.
Thông thường, giá một bó Tử Châu giao động từ 120.000 đồng đến 160.000 gồm 5-7 cành. Nhiều chị em chia sẻ, cành Tử Châu khi cắm lên sẽ xòe ra như lông của 1 chú công duyên dáng, xinh xắn. Quả của Tử Châu mọc chi chít thành 2 hàng song song giống như một chuỗi ngọc.
“Cành Tử Châu cắm khá bền mà vẫn đẹp, thông thường 1 bình Tử Châu có thể cắm được ít nhất 2 tuần. Cây Tử Châu không chỉ được dùng để trang trí mà còn có tác dụng chữa bệnh như giải độc, chỉ huyết”, chị Đinh thông tin về loài hoa “lạ”.
Những ngày này, phòng khách nhà chị Lưu Phương Thảo (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) ngập tràn sắc Thu bởi màu tím của hoa chi Tử Châu. Chị nói, gần đây, chị thấy rộ lên trend cắm hoa chi Tử Châu nên chị hỏi mua người quen ở chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội một bó để cắm thử.
Khi cắm loài hoa này, chị ưu tiên chọn bình có miệng nhỏ, đủ vừa với cành bởi cành hoa cong nếu cắm bình miệng to sẽ khó giữ được dáng.
Cắm cành chi Tử Châu cũng tương tự như khi cắm cành hồng, cành táo mèo, tùy cảm hứng của mỗi người. Với chị Phương Thảo, chị tham khảo thêm cách cắm theo kiểu ikebana của Nhật.
Tương tự, chị Nguyễn Nha Trang (39 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng khiến bạn bè xuýt xoa khi khoe bình hoa Tử Châu nhà mình lên mạng xã hội. Chị Trang mua 4-5 cành để cắm một bình trang trí phòng khách, để bình hoa trông lạ mắt hơn, chị Trang thường kết hợp Tử Châu với hoa cẩm chướng để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa này.
“Vào mùa thu, những loại hoa tím mộng mơ cũng được nhiều người yêu thích. Bông hoa nhỏ xinh đồng nội có mùi của cỏ. Màu hoa bền mãi dù hoa đã khô. Đầu bông nở li ti rất nhiều những hoa như ngôi sao nhỏ. Gia đình tôi rất thích cắm loài hoa này mỗi độ Thu về”, chị Trang thích thú ca ngợi.