Vì sao giới đầu tư rỉ tai nhau siêu giàu Việt Nam 'phất nhanh nhờ đất'?
Trong các bảng thống kê tỷ phú USD tại Việt Nam thì các ông chủ có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản rất ít. Tuy nhiên, trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán thì kinh doanh bất động sản vẫn là ngành nghề chính của nhiều đại gia.
Đại gia Nguyễn Hữu Đường (có biệt danh Đường “bia”, vị doanh nhân này nổi lên trên thương trường nhờ kinh doanh bia) khi được hỏi bất động sản có phải là cách kiếm tiền dễ hơn làm bia, ông Đường cho biết, tôi giàu lên từ bia chứ không phải từ đất. Tuy vậy, vị doanh nhân cũng khẳng định, ở Việt Nam, nhiều người giàu lên từ làm bất động sản. Đây là ngành mang lại lợi nhuận cao. Một đất nước đang phát triển thì ngành bất động sản hấp dẫn là bình thường.
“Làm ngành này cũng không phải suy nghĩ nhiều, không phải chấp nhận may rủi nhiều. Nếu có khu đất vị trí tốt, thì lại càng dễ thành công. Trong khi đó làm sản xuất hàng hóa lại rất gặp khó khăn, phải tính đến tiêu thụ ở đâu, đối thủ cạnh tranh như thế nào.”, vị đại gia này nói
Nhận định của vị doanh nhân cũng tương đối sát với thực tế trên thương trường Việt Nam. Nếu nhìn vào danh sách top 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán thì có tới 7 tỷ phú đến từ lĩnh vực bất động sản, chiếm 35%. Tổng giá trị tài sản vốn hóa trên thị trường chứng khoán của 7 tỷ phú này tại thời điểm ngày 7/10/2021 là 308.026 tỷ đồng. Trong khi đó 13 tỷ phú còn lại có tổng tài sản là 276.760 tỷ đồng. Như vậy nhóm 7 tỷ phú bất động sản sở hữu khối tài sản cao hơn tổng tài sản của 13 người ở các lĩnh vực còn lại.
Tuy nhiên, từ một thống kê khác, tính sang danh sách tỷ phú thể giới năm nay của Forbes công bố cho thấy, Việt Nam có 6 đại diện: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Trong danh sách này, trừ ông Phạm Nhật Vượng có bất động sản là trụ cột chính đưa ông trở thành tỷ phú USD, còn lại bà Nguyễn Thị Phương Thảo xuất phát từ ngành hàng không, ông Trần Đình Long làm sản xuất thép, ông Hồ Hùng Anh thì là ngân hàng, ông Trần Bá Dương là ô tô và ông Nguyễn Đăng Quang là từ sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh.
Như vậy có thể thấy, để giàu lên từ kinh doanh bất động sản có thể có số lượng lớn doanh nhân, nhưng để trở thành tỷ phú USD thì cũng rất hiếm hoi ở nước ta. Nhìn trong danh sách tỷ phú Forbes thống kê, các đại gia có tài sản tỷ USD thì chủ yếu là ngành sản xuất và dịch vụ.
Đấy là soi chiếu những người giàu nhất, còn với giới đầu tư thì sao?. Theo các chuyên gia, trong đầu tư bất động sản có kẻ thua, người thắng. Nhiều nhà đầu tư phất lên nhờ đầu tư bât động sản. Số tiền đó họ tái đầu tư nhiều lần, dĩ nhiên cũng sẽ có lúc thất bại chứ không thắng hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, ngay trong thời điểm khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng trầm trọng tới nền kinh tế thì những nhà đầu tư bất động sản lâu năm, có dòng vốn lớn gần như không ảnh hưởng.
“Họ vẫn giữ tài sản và chờ chứ không vội vàng bán ra. Nếu bí quá thì các nhà đầu tư này sẽ bán bớt đi một bất động sản để phòng ngừa rủi ro tiếp. Đó là lý do, thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa thấy có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ trên diện rộng”, ông Quang nói.