Cảnh giác trước các thông tin quảng cáo Nga Phụ Khang chữa u xơ, u nang
Mặc dù sản phẩm Nga Phụ Khang chỉ là thực phẩm, không có tác dụng chữa bệnh, nhưng nhiều trang mạng đang tiếp thị sản phẩm này với tác dụng như thuốc chữa bệnh...
Nga Phụ Khang không có tác dụng chữa u xơ u nang
Theo thông tin công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - Aerophar phân phối và tiếp thị và được sản xuất bởi Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế - I MC. Đây là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Vậy nhưng, hiện trên nhiều trang mạng xuất hiện các thông tin khẳng định sản phẩm Nga Phụ Khang có tác dụng “trị” bệnh. Điều này là trái với quy định của pháp luật, không đúng bản chất sản phẩm và có thể khiến nhiều bệnh nhân u xơ, u nang rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Cụ thể, trên website youmed.vn đặt vấn đề “Nga Phụ Khang chữa bệnh gì?” và nội dung sau đó khẳng định, đây là sản phẩm “điều trị các tình trạng bất thường ở phụ khoa như: Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, vô kinh: U nang buồng trứng, u xơ tử cung…”.
Chưa dừng lại, trang web này còn công khai “đánh tráo” bản chất sản phẩm bằng việc gọi Nga Phụ Khang là thuốc tại mục hướng dẫn sử dụng: “Cách dùng thuốc Nga Phụ Khang hiệu quả: Viên Nga Phụ Khang được dùng bằng đường uống. Khi dùng viên uống, hãy uống với một cốc nước . Lưu ý, nên dùng sản phẩm trước khi ăn khoảng 30 phút, tức là dùng thuốc lúc bụng đói.
Liều dùng: Tùy vào mục đích điều trị mà liều dùng Nga Phụ Khang sẽ không giống nhau. Cụ thể: Trường hợp dự phòng bệnh đồng thời làm tăng sức đề kháng”.
Bên cạnh đó, trên trang ngaphukhang.online cũng đăng tải hàng loạt bài viết giới thiệu sản phẩm này có tác dụng điều trị bệnh như thuốc.
Cụ thể, phần tiếp thị “Bí mật cách chữa u xơ, u nang không cần mổ bằng thảo dược” khẳng định, hiện nay có nhiều cách điều trị u xơ, u nang, nhưng cách điều trị không dùng thuốc tây được chị em ưa chuộng hơn cả, trong đó nổi bật hơn cả là sản phẩm Nga Phụ Khang.
Trên website ngaphukhang.online cũng đăng tải nhiều thông tin tiếp thị về thành phần thảo dược có trong sản phẩm Nga Phụ Khang có tác dụng chữa bệnh.
Ngoài ra, rất nhiều website khác sử dụng tên miền quốc tế thông tin không đúng sự thật về sản phẩm như uxotucung.online, unangbuongtrung.online... Đặc biệt, là các website này có backlink qua lại với nhau nhằm tăng uy tín trang và tăng hiệu quả khi seo tên sản phẩm trên google.
Trước thông tin sản phẩm Nga Phụ Khang chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không có tác dụng chữa bệnh, chị Phạm Thu Phương (35 tuổi, ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cho hay, thường ngày, chị đi xe, sử dụng các phương tiện vận tải công cộng thì đều được nghe và tới khi lướt web lại đọc được thông tin nói Nga Phụ Khang như một loại thuốc chữa bệnh. Nên bản thân chị cũng nhầm lẫn mua về dùng.
Không những thế, chị Phương còn nhanh nhảu mách với bạn bè của chị, rằng Nga Phụ Khang là đơn thuốc chữa và điều trị các tình trạng bất thường ở phụ khoa như: Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, vô kinh: U nang buồng trứng, u xơ tử cung…
Cảnh giác kẻo “tiền mất tật mang”
Liên quan vụ việc kể trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, hiện Việt Nam đã có nhiều chế tài quy định về quản lý và thực hiện quảng cáo phù hợp với pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 của Quốc Hội đã nêu rõ:
Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây: a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. 5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng nêu rõ: “Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:
- Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
- Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
- Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
- a) Phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;
- b) Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;
- c) Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo”.
Liên quan vấn đề trên, ngày 8/10, PV Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ đến Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu để tìm hiểu xác minh thông tin, tuy nhiên đến nay phía Á Âu vẫn chưa đưa ra phản hồi nào.
Ngày 11/10, liên lạc qua điện thoại, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sẵn sàng tiếp nhận “những thông tin phản ánh về sản phẩm Nga Phụ Khang chỉ là thực phẩm, không có tác dụng chữa bệnh, nhưng trên nhiều trang mạng đang tiếp thị trái phép sản phẩm này với tác dụng như thuốc chữa bệnh...”, do PV Đại Đoàn Kết Online đăng tải và sẽ giao cho phòng ban chuyên môn kiểm tra làm rõ.