3 nhà kinh tế Mỹ được trao Giải Nobel Kinh tế 2021
Chiều 11/10, giải thưởng cuối cùng khép lại mùa Nobel năm nay – giải Nobel Kinh tế 2021, đã được trao cho 3 nhà kinh tế người Mỹ.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, 3 nhà kinh tế người Mỹ David Card, Joshua D.Angrist và Guido W.Imbens cùng chia sẻ giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay.
Nhà kinh tế David Card tại Đại học California (Berkeley, Mỹ), đã được trao một nửa giải thưởng vì những đóng góp thực tế của ông đối với lĩnh vực kinh tế lao động. Bằng cách sử dụng các thí nghiệm tự nhiên, ông đã phân tích thành công về “tác động của thị trường lao động của mức lương tối thiểu, nhập cư và giáo dục”.
Các nghiên cứu của Card từ đầu những năm 1990 đã cho thấy, việc tăng mức lương tối thiểu không nhất thiết dẫn đến ít cơ hội việc làm hơn. Bây giờ chúng ta biết rằng, thu nhập của những người sinh ra ở một quốc gia có thể được hưởng lợi từ việc nhập cư mới, trong khi những người nhập cư sớm hơn có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời nghiên cứu cũng chứng minh rằng, các nguồn lực trong trường học quan trọng hơn rất nhiều đối với sự thành công trên thị trường lao động trong tương lai của học sinh so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Bên cạnh đó, hai chuyên gia kinh tế Joshua D.Angrist, thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Cambridge, Mỹ) và Guido W.Imbens (Đại học Stanford, Mỹ) nhận một nửa giải thưởng còn lại nhờ “những đóng góp về phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả từ các thí nghiệm tự nhiên”. Chìa khóa là sử dụng các tình huống mà trong đó, các sự kiện ngẫu nhiên hoặc sự thay đổi chính sách sẽ dẫn đến việc các nhóm người được đối xử khác nhau, theo cách giống với các thử nghiệm lâm sàng trong y học. Cách tiếp cận của ba nhà kinh tế đã lan rộng sang các lĩnh vực khác và cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm.
“Các nghiên cứu của Card về những câu hỏi cốt lõi cho xã hội và những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú. Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”, Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế cho biết.
Giải Nobel Kinh tế năm ngoái thuộc về hai nhà kinh tế học người Mỹ đến từ Đại học Stanford, ông Paul Milgrom và Robert Wilson, những người đã được vinh danh nhờ tìm ra cách để các cuộc đấu giá hoạt động hiệu quả hơn.
Giải Nobel Kinh tế luôn là giải thưởng cuối cùng được trao trong số sáu giải thưởng Nobel hàng năm, được thành lập bởi ngân hàng trung ương Thụy Điển (Sveriges Riksbank) để tưởng nhớ người sáng lập giải Nobel Alfred Nobel. Giải Nobel Kinh tế không nằm trong số 5 giải Nobel được đặt ra theo nguyện vọng của nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895. Theo đó, giải Nobel kinh tế đầu tiên đã được trao vào năm 1969.