Nam Định: ‘Phụ nữ nông thôn di cư ra đô thị tìm việc làm không giảm’
Đây là một trong những vấn đề nổi cộm được nêu ra tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Nam Định lần thứ 17, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức hôm nay, 11/10, trong bối cảnh Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường hơn 10 năm…
Rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ
Tại Đại hội, 248 đại biểu tham sự, lãnh đạo Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy Nam Định cùng nhìn nhận, đánh giá trong nhiệm kỳ qua, công tác hội và các hoạt động, phong trào liên quan đến phụ nữ ở Nam Định tiếp tục được đổi mới, với phương châm “đối tượng nào, mô hình đó”, “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, qua đó đạt thêm nhiều kết quả, thành tựu mới, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển ở địa phương.
Đặc biệt, đã để lại dấu ấn đậm nét và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu xây dựng nông thôn mới; trong việc đồng hành, hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế cũng như đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm giàu chính đáng; phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
“Đời sống của phụ nữ được cải thiện, trình độ được nâng lên, phụ nữ ngày càng tự tin, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội. Công tác phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt những kết quả tích cực, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phong trào phụ nữ và hoạt động của hội ngày càng có chiều sâu, được cụ thể hóa, rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ và có sức lan tỏa”, báo cáo tại Đại hội nhìn nhận và cho biết đến cuối nhiệm kỳ, 9/9 chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ trước đặt ra đã được các cấp hội trong tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Đơn cử, đến nay, nguồn ủy thác của các tổ chức tín dụng cho phụ nữ Nam Định vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh qua tổ chức Hội phụ nữ đã có tổng dư nợ gần 2.800 tỷ đồng (tăng 1.100 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), mang lại lợi ích cho 385.901 hộ gia đình phụ nữ.
Chỉ riêng hoạt động xây dựng nhóm phụ nữ tiết kiệm (5.246 nhóm, tổng số tiền hơn 309 tỷ đồng) đã giúp 295.516 phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế trong tỉnh được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Các ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả của phụ nữ đều được Hội hỗ trợ về tinh thần, nguồn vốn thực hiện.
Nhiều phụ nữ ở Nam Định đã vươn lên thoát nghèo, làm chủ, đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, chủ nhân của nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm)…
Một trong những “dấu ấn” của phụ nữ Nam Định với công cuộc xây dựng nông thôn mới là 5 năm qua đã trồng, hình thành 2.500 tuyến đường hoa, dài tổng cộng 2.575 km…
Vận động, quyên góp giúp hội viên phụ nữ nghèo xây nhà, mua bảo hiểm y tế… cũng là một “điểm sáng” của hoạt động Hội phụ nữ ở Nam Định nhiệm kỳ qua, được Đại hội nhìn nhận.
Sự tiến bộ của phụ nữ Nam Định còn thể hiện ở việc hiện toàn tỉnh có 364 phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong đó cấp tỉnh có một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 38 Trưởng, Phó sở, ngành và tương đương; cấp huyện có 15 Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt; cấp xã có 102 người làm lãnh đạo chủ chốt.
Vẫn là nạn nhân của nhiều vấn đề xã hội
Cùng với kết quả, thành tựu, Đại hội chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế, bất cập của phong trào phụ nữ, công tác Hội phụ nữ ở Nam Định hiện nay. Trong đó, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở một số cơ sở thiếu tính hấp dẫn, thiết thực; nội dung, hình thức, thời gian sinh hoạt Hội ở một số nơi chậm đổi mới, chưa đa dạng, phong phú, thiếu tính chủ động, linh hoạt; năng lực cán bộ hội còn hạn chế.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội phụ nữ mới chỉ dừng ở việc báo cáo, đề xuất, góp ý.
Công tác vận động, tập hợp hội viên, theo dõi, quản lý tình hình phụ nữ gặp nhiều bất cập, do nhiều phụ nữ có hộ khẩu quản lý ở địa phương nhưng thực tế không sinh sống tại địa phương; phần đông nữ công nhân hiện nay không bố trí được thời gian sinh hoạt hội…
Một số cấp uỷ Đảng, chưa thực sự nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ nên công tác phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn ngân sách cấp cho hoạt động ở cơ sở thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, Đại hội nhìn nhận, chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến phụ nữ, hoạt động Hội phụ nữ ở địa phương hiện nay, đòi hỏi không chỉ tổ chức Hội phụ nữ phải có “động thái” tham gia giải quyết.
Đó là những thách thức của cuộc cách mạng về công nghệ, những tác động ngày càng tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh đối với phụ nữ. Tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ, nhất là trong trẻ em nữ tiếp tục gia tăng nhưng ít được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Hồi tháng 6/2021 tại Nam Định xảy ra vụ việc 6 bé gái bị dụ dỗ, bán lên Phú Thọ “làm gái” gây rúng động dư luận địa phương…
Việc làm cho hội viên phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mô hình phụ nữ khởi nghiệp của phụ nữ chưa bền vững, việc kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp cũng không đơn giản.
Đặc biệt, Đại hội nhìn nhận tình trạng, tỷ lệ phụ nữ nông thôn ở Nam Định phải rời bỏ làng quê, di cư ra đô thị tìm kiếm việc làm hoặc phải đi làm ăn xa vẫn không giảm, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội…
Quán triệt phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi hội thấu hiểu phụ nữ”, Đại hội thống nhất 5 quan điểm, phương hướng phát triển trong thời gian tới. Trong đó xác định phải xây dựng được tổ chức hội các cấp ngày càng vững mạnh; xem quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân, thiết thực của phụ nữ, nhất là phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, lao động nữ di cư…là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên.
Đại hội đề ra 9 chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới; bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 39 ủy viên. Bà Trần Thị Định được Ban Chấp hành khóa mới tái cử chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định.