Giả danh ngành Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa đưa ra cảnh báo về một số trang web, fanpage facebook mạo danh cơ quan này để trục lợi trái quy định của pháp luật.
Theo khẳng định của Bộ GDĐT, hiện Bộ chỉ có một fanpage duy nhất có tích xanh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ có một trang facebook cá nhân, nên mọi trang mạng xã hội khác đều là giả mạo với mục đích kiếm lợi không trong sáng.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý những cá nhân, tổ chức cố ý giả danh cơ quan này và cá nhân lãnh đạo bộ bằng việc lập các trang web, fanpage mang tên gây nhầm lẫn. Bộ GDĐT cũng đã tiếng cảnh báo về việc có nhiều trang web, fanpage giả mạo để tránh việc mọi người trong xã hội bị các đối tượng xấu lừa đảo.
Tất cả các trang web, fanpage facebook quảng cáo nhận làm các loại văn bằng chứng chỉ đều là giả danh ngành giáo dục để trục lợi. Họ công khai đăng bài viết nhận làm mọi loại bằng cấp, chứng chỉ theo yêu cầu rất “chuyên nghiệp, uy tín”, từ bằng đại học, cao đẳng, đến bằng cấp 3, chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS...
Tất nhiên, cũng đã có người thực hiện giao dịch với chủ các trang web, fanpage giả mạo nói trên để “hợp lý hóa” bằng cấp, chứng chỉ cho vị trí của bản thân. Song, phải khẳng định ngay rằng, tất cả những người có phát sinh giao dịch với chủ các trang web, fanpage giả mạo đều không hề bị lừa, mà họ chủ động tìm mua bằng cấp chứng chỉ giả.
Phàm là một người bình thường có hiểu biết pháp luật, chưa nói đến là người có chức vụ, đều phải hiểu rằng không thể có chuyện không học mà được cấp bằng, chứng chỉ, dù ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào. Vì thế, việc tìm cách giao dịch với những người “thuộc ngành giáo dục” thông qua các trang web, fanpage để có bằng cấp chính là vi phạm pháp luật.
Nếu chủ các trang web, fanpage facebook giả mạo Bộ GDĐT công bố mở lớp, chiêu sinh để đào tạo ngành, nghề thì lúc đó mới có thể có người bị lừa. Dĩ nhiên các đối tượng có mục đích xấu sẽ không dại gì lừa đảo một cách “thô” như vậy, bởi sẽ sớm bị lật tẩy. Ngay cả khi có người bị lừa nộp tiền, kẻ giả mạo cũng sớm xộ khám vì nạn nhân sẽ tới cơ quan công an báo án.
Đưa ra những dữ liệu như vậy để lý giải rằng, việc có khá nhiều trang web, fanpage giả mạo Bộ GDĐT rao bán bằng cấp chứng chỉ giả là bởi, trong xã hội vẫn còn nhiều người có nhu cầu. Họ muốn mua bằng cấp chứng chỉ giả, nhưng không dám mua ở những nơi “trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ” nên cần một cái danh để trấn an bản thân.
Và dĩ nhiên việc bỏ tiền mua văn bằng, chứng chỉ giả trên các trang web, fanpage tự nhận là của Bộ GDĐT, hay thậm chí là của một đồng chí lãnh đạo bộ sẽ hoàn toàn yên tâm (!) Vậy nên, các cơ quan chức năng khi điều tra, xác minh không chỉ để làm rõ đối tượng nào giả danh ngành giáo dục, mà còn cần truy xét đến tận cùng ai là “khách hàng” của họ.
Lâu nay, ở một số bộ, ngành, địa phương thi thoảng lại tự nhiên “lòi ra” vài cán bộ, công chức, viên chức “xài” bằng cấp, chứng chỉ giả. Câu hỏi đặt ra là: Họ lấy đâu ra những văn bằng, chứng chỉ giả đó nếu không phải là mua bán trên mạng internet?
Đó là một trong những lý do khiến những kẻ sản xuất văn bằng chứng chỉ giả lập các trang web, fanpage núp bóng Bộ GDĐT, để che mắt các cơ quan chức năng, đánh vào lòng tin của những người có nhu cầu. Việc Bộ GDĐT sớm lên tiếng cảnh báo về các trang web, fanpage vừa đảm bảo xã hội không bị lừa, vừa giữ gìn uy tín và sự tôn nghiêm của ngành “trồng người”, thật đúng là “nhất tiễn song điêu”.