Hút người tài có khó?
Những năm trở lại đây, cả nước liên tiếp đón nhận tin vui khi học sinh Việt Nam bội thu Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Nhưng cũng có một thực tế là phần lớn trong số học sinh này đều có xu hướng đi du học, sau đó ở lại nước ngoài làm việc và nghiên cứu.
Đây là bức tranh thu nhỏ của tình trạng phần lớn du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập đều mong muốn ở lại thay vì trở về Việt Nam làm việc trong nhiều năm trở lại đây. Câu hỏi làm gì để giữ chân nhân tài vẫn là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Nhìn từ những quán quân Đường lên đỉnh Olympia
Không phải đến bây giờ câu chuyện người giỏi không về nước mới được nhắc tới. Thậm chí vấn đề này đã từng được đưa ra trong một phiên thảo luận tại Quốc hội. Hay điển hình như chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam, cứ sau mỗi trận chung kết, câu chuyện đi hay trở về của các quán quân lại gây nhiều tranh cãi.
Năm nay, chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã bước sang năm thứ 21. Thực tế cho thấy, những quán quân của chương trình đang có những công việc, thành tựu tốt ở nước ngoài. Điển hình như quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 Lê Vũ Hoàng. Thành công trong sự nghiệp với nhiều sản phẩm nghiên cứu được quốc tế đánh giá cao, hiện Hoàng đã có cuộc sống khiến nhiều người mơ ước với gia đình tại Australia. Hay như Phạm Mạnh Tân, quán quân của chương trình năm thứ 2. Hiện tại, Tân đang làm việc tại IBM - một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất toàn cầu và cũng có cuộc sống hạnh phúc cùng gia đình tại Australia.
Tuy nhiên, trong số 20 nhà vô địch của chương trình này, thực chất đến thời điểm hiện tại chỉ có 3 người đã tốt nghiệp ở nước ngoài và trở về Việt Nam làm việc. Vậy vì sao họ không về hoặc chưa về nước? Điều gì níu chân họ ở lại Australia? Chia sẻ về điều này, Lê Vũ Hoàng cho hay, đi hay trở về nước không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng hơn là cách bản thân các du học sinh đóng góp cho đất nước như thế nào. Hoàng cho hay, cách đóng góp của Hoàng cho đất nước là những sản phẩm dự án và những liên kết quốc tế. Với Hoàng, đó là những đóng góp hết sức thiết thực mà khi ở nước ngoài, Hoàng sẽ có điều kiện hơn để thực hiện điều đó.
Trao đổi với chúng tôi, quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Hằng đã quyết định lựa chọn theo học ngành Kinh doanh tại Trường Đại học Swinburne Việt Nam, thay vì đi du học tại Australia. Thu Hằng cho biết thêm, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Hằng có thể sang Australia học theo chương trình học bổng của Trường Đại học Swinburne. Trước câu hỏi, sau khi du học có trở về Việt Nam làm việc hay không, Hằng cho hay, thời điểm này, em khó có thể nói trước sẽ làm việc tại đâu vì môi trường học tập và làm việc ở Việt Nam và Australia khác nhau. Tuy nhiên, quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 cho biết: “Nếu có cơ hội công việc tốt và phù hợp, em sẽ trở về quê hương làm việc vì ở đây có gia đình, thầy cô và bạn bè của em”.
Cần cơ chế trọng dụng
Không chỉ có những học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế, quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia, sau khi đi du học đều lựa chọn làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài, mà phần lớn du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập đều mong muốn ở lại thay vì trở về Việt Nam làm việc.
Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 Nguyễn Hồng Đức nêu quan điểm, đôi khi vấn đề này đặt ra hơi khắt khe đối với các thí sinh. Bởi thời điểm vinh quang, các em chỉ là sinh viên mới ra trường, tương lai chờ trước mắt và chưa biết lựa chọn thế nào.
Lựa chọn Việt Nam làm việc và hiện tại đang giữ vị trí quản lý vận hành chương trình cao cấp Eero - Amazone Devices, anh Nguyễn Hồng Đức cho biết, tại thời điểm này, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn của quốc tế cần nhân sự tại Việt Nam mà không có. Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 chia sẻ: Tôi mong muốn, chúng ta phải làm thế nào để các du học sinh sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài nắm được rằng, Việt Nam đang có rất cơ hội việc làm tốt và rộng mở với các em.
Được biết, để giữ chân được nhân tài, các trường đại học hàng đầu trong nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều năm trở lại đây đều có những chính sách đãi ngộ với các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Hằng năm, các trường đều dành chỉ tiêu nhất định, tuyển thẳng các em vào trường. PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Chúng ta nên trọng dụng các nhân tài này”.
Trước bài toán làm thế nào khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng được cử đi học nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đều có cam kết ràng buộc trở về nước công tác sau khi hoàn thành khóa học.
Chính phủ đã có chính sách thu hút lưu học sinh nước ngoài về làm việc, đặc biệt đối với các lưu học sinh không nhận học bổng từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút công dân Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài trở về đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng diễn đàn “Du học sinh Việt Nam”. Diễn đàn là cầu nối các lưu học sinh Việt Nam đã, đang và sẽ đi học nước ngoài, giảng viên, nhà khoa học, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ thông tin về kinh nghiệm sống, cơ hội việc làm, môi trường làm việc trong nước nhằm quản lý tốt hơn và thu hút du học sinh về nước làm việc.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Đầu tư cho giáo dục phải bài bản, nghiêm túc
Hiện nay, người được cử đi học nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước đã có những ràng buộc theo quy định trở về nước công tác sau khi hoàn thành khóa học. Còn với người đi học nước ngoài không nhận học bổng từ ngân sách Nhà nước, tôi cho rằng nếu họ ở lại định cư là quyền lựa chọn của mỗi người dù chúng ta đều hi vọng những người tài sẽ trở về làm việc tại quê hương.
Nhiều năm trở lại đây, vấn đề về “chảy máu chất xám” được đề cập tới nhiều. Theo tôi, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn sự nhìn nhận thiếu cân bằng với những tri thức trẻ. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới, họ có những chính sách đãi ngộ cho các nhân tài cực lớn. Vì vậy, Việt Nam cần xem lại những chính sách và những điều kiện để người tài khi quay về đất nước có được việc làm phù hợp, phát huy tính dân chủ, được hưởng sự đãi ngộ tương xứng với năng lực con người. Tôi được biết, nhiều du học sinh muốn quay về nước để làm việc tuy nhiên họ lại không có điều kiện để phát triển năng lực một cách tốt nhất. Nhiều người tài làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu nhưng khi về nước lại không có đủ máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại. Thế nên, tôi cho rằng, đầu tư cho giáo dục phải là sự đầu tư bài bản, nghiêm túc.
PGS. TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tạo môi trường để người tài phát huy hết khả năng
Học sinh, sinh viên giỏi ở lại làm việc tại nước ngoài ở mặt tích cực có thể nhìn nhận rằng, trí tuệ Việt Nam đã tiệm cận thế giới. Nhất là nếu họ thành tài, có những đóng góp cho khoa học thế giới, cho nhân loại nói chung, từ đó có tác động trở lại nền kinh tế đất nước là điều vô cùng quý giá.
Còn dưới một góc nhìn cục bộ, người tài đi du học không trở về phục vụ đất nước trực tiếp là một dấu hiệu tiêu cực. Bởi người học đã đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích quốc gia. Nhưng hãy khoan trách móc họ mà chúng ta hãy thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân vì sao phần lớn du học sinh sau khi tốt nghiệp đại học lại không muốn trở về nước.
Ở một phương diện nào đó, học sinh, sinh viên giỏi của Việt Nam nếu có điều kiện học tập và nghiên cứu ở nước ngoài sẽ phát triển tài năng hơn. Thế nên, tôi cho rằng, chúng ta phải xem lại mình, có cách nhìn toàn diện và thực tế hơn.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách thu hút người tài ở nước ngoài về Việt Nam làm việc nhưng điều mà họ mong muốn là có những cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp; cụ thể hơn là môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp để họ có thể về, phát huy hết khả năng, năng lực của mình, đóng góp cho đất nước.
N.Hoài (ghi)