Trọng dụng nhân tài
Du học sinh nói chung và học sinh, sinh viên giỏi được đào tạo ở nước ngoài không lựa chọn môi trường trong nước để cống hiến là thực trạng không mới, nhưng lâu nay vẫn luôn là mối quan tâm của dư luận. Bởi phía sau những nguyên nhân chủ quan và khách quan, còn là khoảng trống đáng kể về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự hội nhập và phát triển của đất nước.
Trên thực tế, với mỗi nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia, lựa chọn nước Australia hay một thị trường nước ngoài nào đó để làm việc, chắc hẳn đều có lý do riêng. Không ít người khi chia sẻ đã thẳng thắn nói về triển vọng nghề nghiệp, cơ hội trong công việc cũng như ứng dụng những điều đã học… khi họ chọn làm việc ở nước ngoài. Đối với môi trường trong nước, ngoài việc lương thưởng thấp, nhiều người không về nước vì khó phù hợp với điều kiện làm việc, phát triển tài năng. Thậm chí, đã có nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước mong muốn làm việc cũng thi trượt công chức. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đã lạc hậu, thời đại 4.0 nhưng cung cách làm vệc vẫn dừng lại ở… 0.4.
Ngoài ra, còn có một thực tế phải đối mặt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc mà nhiều khi công việc vẫn chưa được như mong muốn. Xin được việc làm rồi, họ lại không thể phát huy được tài năng. Giảng dạy, làm khoa học thì thiếu thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa…
Từ nhiều năm trước, nhà báo Nguyễn Như Mai khi ấy là cố vấn cho chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã rất trăn trở với thực trạng này: Cơ chế tuyển dụng và xét bổ nhiệm chức vụ lâu nay nặng về hình thức quá, rất đáng xem lại. Tài năng của mỗi công chức nhà nước lại chỉ nhắm vào cái mác đó sao? Nếu cứ cung cách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ kiểu này, chúng ta khó tìm được người có tài, có tâm phụng sự đất nước. Điều đáng lo và phải chăng, cái cản trở lớn nhất, đó là việc chúng ta chưa có một cơ chế tuyển dụng nhân tài minh bạch, cầu hiền đúng nghĩa. Thế nên việc trải thảm đỏ âu cũng mới chỉ dừng lại ở hình thức mà thôi. Câu chuyện thí sinh Đường lên đỉnh Olympia đi du học không trở về sẽ vẫn là câu chuyện muôn thuở, nếu chúng ta chưa thực sự có một chính sách thu hút các tài năng ưu đãi về môi trường làm việc và thu nhập tương xứng.
Xét trên bình diện rộng hơn, có tới 4 tác động mà du học sinh, nhất là những người thực tài không trở về nước cống hiến đã được các chuyên gia chỉ ra.
Thứ nhất, các du học sinh chính là nguồn nhân lực rất cần thiết để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu sinh viên không trở lại, sẽ gây thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo chuyên nghiệp.
Thứ 2, những du học sinh có thể mang về cùng họ những đòi hỏi cao hơn về chuẩn mực quản lý nhà nước. Thứ 3, những học sinh, sinh viên du học, nhất là những người giỏi nhất, tập trung ở các trường chuyên lớp chọn, hầu hết hưởng lợi từ một nền giáo dục do Chính phủ tài trợ, nhưng sau đó không đóng góp trở lại cho đất nước. Điều này làm lãng phí ngân sách Nhà nước. Thứ 4, do việc có ít lao động kỹ năng cao, tiền lương trả cho các lao động kỹ năng cao trong nước sẽ cao hơn. Điều này có thể có hại cho tăng trưởng kinh tế của cả quốc gia vì chi phí cao hơn đồng nghĩa với tính cạnh tranh của các doanh nghiệp yếu hơn.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một chuyên gia giáo dục Nhật Bản từng chia sẻ một góc nhìn riêng: Để thu hút người tài quay trở về, các bạn cần giúp thanh niên định hướng cuộc đời mình: Khi đi du học mục tiêu cần đạt được là gì? Gánh vác những trách nhiệm gì? Qua đó để họ thấy được sự tương quan giữa cá nhân với cộng đồng, với xã hội và đất nước…