Tránh rủi ro pháp lý trong đại dịch

QUỐC ĐỊNH 12/10/2021 06:59

Câu chuyện Thế Giới Di Động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng dẫn đến nguy cơ bị kiện tụng chỉ là phần nổi trong “tảng băng” rủi ro pháp lý mà nhiều doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong bối cảnh đầy bất trắc của đại dịch Covid-19.

Theo luật sư Nguyễn Trung Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ảnh hưởng từ đại dịch đã làm bùng nổ số lượng các vụ tranh chấp pháp lý trong các DN. Nếu như hồi năm ngoái vốn dĩ các DN đã đưa nhau đi giải quyết tranh chấp rất nhiều từ hệ luỵ của Covid-19, thì đến năm nay không chỉ các DN đưa nhau ra tòa hoặc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà còn có xu hướng trao đổi và đàm phán với nhau nhiều hơn.

Việc bùng nổ các tranh chấp là đương nhiên và tất yếu. Chưa bao giờ VMC nhận được các yêu cầu nhiều như trong 2 năm trở lại đây, liên quan đến diễn giải điều khoản “sự kiện bất khả kháng” và diễn giải điều khoản “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Về việc gia tăng mạnh số vụ tranh chấp của DN mà tòa án các cấp trong cả nước thụ lý, số liệu cho thấy có đến 78% vụ việc liên quan đến dân sự, kinh doanh thương mại và lao động. Ngoài ra, các tranh chấp thương mại quốc tế của DN Việt Nam cũng tăng mạnh. Về mặt pháp lý, hệ luỵ “vô tiền khoáng hậu” của đại dịch đã tạo ra sự tranh chấp, tranh cãi với nhau trong điều kiện khách quan khi các bên không chuẩn bị trước cho việc này. Các DN cũng không thể lường trước được. Chính vì vậy, đây có thể là tình huống “bất khả kháng” hoặc tối thiểu tạo ra hoàn cảnh éo le làm cho DN tăng chi phí để thực hiện các hợp đồng, hợp tác kinh doanh lên rất cao.

Cho nên, các DN hoặc phía đối tác đều cố gắng kiện tụng để đẩy rủi ro cho phía bên kia. Những đối tượng bị kiện tụng cũng ra sức để đưa tình huống của mình vào xem xét trong hoàn cảnh khách quan không thể lường trước được. Không những vậy, qua một số vụ tranh chấp, kiện tụng giữa mùa dịch này còn cho thấy tính lỏng lẻo trong các hợp đồng, kể cả tính tự tiện, đơn phương của phía DN trong hợp đồng đã ký kết trước đó.

Điển hình như vụ việc đang gây chú ý của dư luận khi Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động tự ý giảm 70 - 100% số tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa 2 bên.

Điều này khó tránh khỏi chuyện bị những đối tác cho thuê mặt bằng kiện tụng DN ra tòa. Như một chủ mặt bằng cho Thế giới Di động thuê cho biết, sẽ kiện ra tòa án để giải quyết nếu Thế giới Di động vẫn tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản đã ký. Chủ mặt bằng này nói rằng, dẫu biết đại dịch làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các DN, nhưng không phải vì vậy mà Thế Giới Di Động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến của người cho thuê nhà.

Còn như chia sẻ của Thế giới Di động, khi các biện pháp để phòng, chống dịch được triển khai mạnh mẽ từ tháng 7/2021 thì có gần 2.000 cửa hàng Thế giới Di động, Điện Máy Xanh của họ đang phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Trước vụ việc như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giữa 2 bên nên ngồi lại với nhau để thảo luận và đi đến thống nhất, còn nếu bất đồng không thỏa thuận được, lúc đó nên đưa ra tòa án. Xét về kinh doanh nên thượng tôn pháp luật, tôn trọng hợp đồng, giao kết giữa các bên.

Nhìn vào các vụ kiện tụng, tranh chấp có liên quan đến DN giữa mùa dịch, giới chuyên gia đánh giá, nếu các đối tác kinh doanh với nhau buộc phải đưa nhau ra toà án để giải quyết thì thường kết quả cuối cùng là “Lose - Lose”, tức là “cả hai bên cùng thua”, không có ai thắng cả. Thách thức lớn cho việc hòa giải trong thời điểm này là có những DN vẫn lợi dụng các yêu cầu về cách ly, giãn cách xã hội để chèn ép đối tác. Nhất là tình trạng có một bên luôn giữ vị thế “cửa trên”, nghĩ rằng là DN lớn nên cố tình chèn ép bên còn lại.

QUỐC ĐỊNH