Ngành du lịch ‘dìu nhau’ vượt khó
Để chuẩn bị cho việc tái khởi động du lịch nội địa, hàng loạt địa phương đã lên kế hoạch triển khai chiến dịch “Du lịch an toàn”. Hiện nay, một số địa phương là Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình... đã có kế hoạch cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh và mở rộng đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11/2021.
Điểm đến an toàn
Tỉnh Bắc Giang sẵn sàng đón khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành khác với tiêu chí tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ. Du khách đủ điều kiện có thể tham quan, trải nghiệm tất cả khu, điểm du lịch của Bắc Giang. Cụ thể, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá những vùng trồng cam, bưởi tại Lục Ngạn.
Còn với Hà Giang, ngành du lịch dự kiến sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị lữ hành Hà Nội khi đưa khách đến Hà Giang từ tháng 11/2021. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thí điểm đón khách ngoại tỉnh trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại khu nghỉ dưỡng FLC và khu du lịch Pù Luông...
Với thông điệp “Du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung kích cầu du lịch thu hút khách ngoài tỉnh từ đầu quý IV/2021 và kết nối sang quý I/2022. Trước mắt, vào đầu tháng 11/2021 Quảng Ninh sẽ kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố kiểm soát được Covid-19 như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên... Dự kiến, khi cho phép, bước đầu sẽ đón khách du lịch ngoài tỉnh tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, vịnh Hạ Long và Khu di tích danh thắng Yên Tử với điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Quá trình thí điểm sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, lúc này các đơn vị càng cần phải phát huy sức mạnh của liên minh du lịch đã được hình thành từ giai đoạn trước. Chỉ có liên minh, liên kết thì các đơn vị mới cho ra được những sản phẩm du lịch chất lượng với giá hợp lý.
Cùng nhau vượt khó
Với chủ trương “cùng nhau vượt khó”, mới đây rất nhiều mô hình liên kết du lịch đã được xúc tiến. Đơn cử như Hà Nội, một số điểm đến như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, làng nghề Bát Tràng… đã liên kết với các công ty du lịch tổ chức các tour tham quan an toàn với nhiều hỗ trợ, ưu đãi.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, hiện nay nhiều điểm đến đã kết hợp với các công ty lữ hành triển khai làm mới các sản phẩm du lịch trên nền tảng các chương trình tổ chức trước đó. Nhiều điểm đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đang chuẩn bị đưa vào các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như: Tây Hồ với sản phẩm “Hà Nội 12 mùa hoa”; dịch vụ bay dù lượn tại Chương Mỹ; Bảo tàng Dân tộc học với các hoạt động trải nghiệm văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số và các ngày Lễ hội trong năm; Lễ hội “Hoa Dã Quỳ” ở Vườn Quốc gia Ba Vì… Các đơn vị lữ hành cũng đang xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín trên các cung đường xanh, điểm đến xanh...
Tại Thanh Hoá, sau khi xin thí điểm đón khách du lịch đã nhận được rất nhiều đề nghị liên kết, phối hợp từ các doanh nghiệp lữ hành. Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết, sẵn sàng tổ chức thí điểm một tour an toàn tới Thanh Hóa gồm đại diện các công ty lữ hành, qua đó khảo sát, đánh giá thực tế các khâu di chuyển, qua chốt kiểm dịch, ăn uống, lưu trú và hạ tầng y tế trước khi bắt đầu đưa khách đến Thanh Hóa. Ông Hùng cũng cho biết thêm, trước đó Câu lạc bộ cũng đã kết hợp với cơ quan quản lý du lịch tỉnh Phú Thọ, Điện Biên…
Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour Nguyễn Thị Huyền bày tỏ, điều cần thiết hiện nay, cần định vị tâm lý cho du khách để họ có niềm tin đi du lịch trở lại. Vì vậy, phải cùng nhau xây dựng lại từ những “viên gạch” đầu tiên với sự phối hợp của các đơn vị lữ hành, địa phương, nhà cung cấp dịch vụ một cách an toàn. Các địa phương nên cung cấp danh sách những đơn vị kinh doanh du lịch được phép đón khách trên địa bàn để các đơn vị lữ hành kết nối, cùng xây dựng sản phẩm du lịch bảo đảm chất lượng, nhưng vẫn an toàn, khép kín cho du khách. Những điểm đến, dịch vụ tham gia chương trình đón khách nội địa trở lại phải được khảo sát kỹ, có phương án cụ thể khi đón khách trở lại, giảm thiểu tối đa các rủi ro và lường trước các tình huống có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Sơn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Nhã Linh cho biết, các công ty du lịch đang gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, vay từ tiền ký quỹ do chính mình đóng. Đa số doanh nghiệp nhỏ đều phải tự bơi để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Do đó bất cứ một sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng và ngân hàng cũng đều hết sức cần thiết lúc này. Ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cũng chia sẻ, với gói tín dụng 16.000 tỉ đồng dành cho vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, phần lớn các công ty lữ hành không tiếp cận được vì ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong khi du lịch là ngành đặc thù, tài sản phần nhiều là “vô hình”.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang tiếp tục chỉ đạo để Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sớm được cấp vốn điều lệ và kinh phí hoạt động, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện triển khai hợp tác công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, khuyến khích hình thành liên minh, liên kết hợp tác xúc tiến quảng bá điểm đến hoặc sản phẩm du lịch.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, theo kế hoạch, dự kiến vào tháng 12/2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”. Tại Hội thảo sẽ trao đổi, tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, những “điểm nghẽn” đối với ngành du lịch, để du lịch phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.