Khoảng lặng Bến En
Không đất sản xuất, không sổ đỏ, không nước sạch và… nhiều cái không nữa mà hàng trăm hộ dân đang bị mắc kẹt trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hoá) phải oằn lưng gánh chịu suốt gần 30 năm qua.
Đã có nhiều dự án, kế hoạch tầm cỡ được hoạch định nhằm giải cứu cho đồng bào nơi đây. Tuy nhiên do vướng mắc, chồng chéo của các loại thủ tục hành chính đã tạo nên lực cản dồn cuộc sống của người dân đến tận cùng của sự khó khăn, không lối thoát.
Khó khăn chồng chất
Con đường lốm đốm chỗ bê tông, chỗ đất đỏ trơn trượt, rộng chưa đầy 2m dẫn chúng tôi đi xuyên vào vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En một ngày đầu tháng 10. Bên đường là những căn nhà tranh tre của đồng bào người Thái cũ kỹ, tuềnh toàng. Vài khuôn mặt khắc khổ, nhàu nhĩ khó đoán tuổi của người dân ló ra sau bậu cửa, thờ ơ nhìn khách lạ.
“Gần 30 năm qua, đã có hàng chục đoàn cán bộ về tìm hiểu, khảo sát thực tế để lên kế hoạch “giải cứu” cho hàng nghìn con người trong vùng lõi. Ban đầu là sự tò mò, niềm nở đón tiếp và hi vọng, nhưng họ cứ đến rồi đi mà không có hồi âm hay bất kỳ sự đổi thay nào”- bà Cao Thị Nộn, trú tại làng Lung, xã Tân Bình, huyện Như Xuân bỏ lửng câu nói như thanh minh cho sự thờ ơ của hàng xóm.
Gần 70 tuổi, những khó khăn của cuộc mưu sinh chốn đồng rừng đã kéo tấm lưng chỉ toàn xương của bà Nộn còng gập xuống, hai mắt gần như lòa hẳn. Biết tôi không phải là cán bộ về khảo sát, giọng bà có phần hào hứng hơn. Ngồi bên cạnh là đứa cháu nội chừng dăm tuổi, mũi dãi nhem nhuốc đang lăn lê dưới nền gạch, bà bảo: “Dịch bệnh khiến bố mẹ nó bị mắc kẹt lại Hà Nội, mấy tháng nay không về được, tiền cũng không thấy gửi về, bà cháu ở nhà đành đem số tiền tiết kiệm được lâu nay ra dè dặt, rau cháo qua bữa. Khổ, sống giữa rừng mà không có tấc đất để sinh nhai, không thể vào rừng mà lấy được ngọn măng chú ạ!”.
Rồi bà móm mém kể: Tổ tiên của bà vốn là người dân tộc Thái đã gắn bó với vùng đất rừng Bến En này từ hàng trăm năm trước. Đến tuổi lập gia đình, bà lấy chồng rồi đẻ liền một mạch 4 đứa con. Bản làng ngày ấy nghèo nhưng kiếm miếng ăn không khó vì còn đất để gieo trồng ngô, lúa. Thiếu thức ăn thì vào rừng hái măng, nhặt nấm, đặt bẫy bắt chim, bắt cá… Năm 1992, chồng bà mắc bạo bệnh mất, bỏ lại bà với 4 đứa con nheo nhóc, khó khăn không để đâu cho hết.
Tuy nhiên, cuộc sống chỉ thực sự đày đọa mẹ con bà và dân làng khi vào năm 1994, rừng Bến En được nhà nước quy hoạch và công nhận là Vườn quốc gia Bến En. Bà còn nhớ, vào một ngày áp Tết, trời rét căm căm, có một đoàn cán bộ cùng lực lượng kiểm lâm đến thông báo với gia đình bà và bà con dân làng rằng, từ nay không được vào rừng hái lượm, săn bắt, đánh cá như trước nữa vì rừng đã bị cấm. Bà chưa hết ngạc nhiên thì họ bồi thêm, cũng không được trồng tỉa, thu hoạch trên đất vườn như lâu nay vì đây là rừng đặc dụng, Nhà nước đã quy định.
Kể từ đó, đời sống của mẹ con bà Nộn và người dân trong xã Tân Bình thực sự rơi vào khó khăn. Không sổ đỏ, không đất sản xuất, không nước sạch… hễ thò con dao, cái cuốc xuống đất rừng là vi phạm pháp luật. Chính vì thế mà các thế hệ con em đến tuổi lao động đều phải bỏ học, vội vã tứ tán để tìm việc làm trong các khu công nghiệp, nhà hàng... mong kiếm tiền gửi về quê để người già, trẻ em đắp đổi qua ngày. Con cái đến tuổi lập gia đình không thể san tách hộ đành chen chúc nhau mấy thế hệ sống trong một căn nhà chật chội, cũ nát.
Bà Nộn nói như khóc: “Mấy hôm rồi bí quá, mẹ con, bà cháu bàn nhau vén tí đất vườn sau nhà trồng thêm mấy gốc keo và sắn, vừa để mát nhà, vừa có thêm nguồn lương thực. Vậy mà trồng xong chiều nay thì ngay sáng ngày mai, lực lượng bảo vệ rừng đã đến lập biên bản và nhổ bỏ toàn bộ số cây mà chúng tôi đã trồng. Và bị phạt lên đến 2 triệu đồng”.
Rời nhà bà Nộn, theo chân trưởng làng Vi Văn Dung men theo con đường trơn trượt trong vùng ngập nước, tôi mới có dịp nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội của người dân làng Lung. Mùa mưa, nước từ lòng hồ sông Mực dâng lên tràn trắng cả một dải thung lũng hẹp. Trưởng làng Vi Văn Dung buông tiếng thở dài thõng thượt: “Khó khăn lắm anh ạ! Cả làng hiện có 112 hộ với 1.448 nhân khẩu, trong đó có 57 hộ nằm trong vùng ngập nước. Tất cả đều nằm trong vũng lõi của Vườn Quốc gia Bến En nên ngoài đi làm thuê ở khắp nơi thì bà con không thể làm gì khác để mưu sinh trên chính mảnh đất của cha ông. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2020 của thôn là 13% nhưng sang năm nay đã tăng lên 18%”.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Vì sao trong suốt gần 30 năm qua, tình trạng mắc kẹt của hàng nghìn nhân khẩu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En vẫn không được xử lý? Trả lời cho câu hỏi này, ông Đàm Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho tôi biết: Toàn xã có 1.899 ha đất với 192 hộ nằm trong vùng lõi vườn quốc gia. Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ sống trong vùng lõi đã dẫn đến những khó khăn cho phát triển kinh tế của người dân vì bước chân ra khỏi nhà là chạm vào đất rừng đặc dụng.
“Hiện nay, hi vọng duy nhất của bà con trong vùng lõi là Nghị quyết 88 của Quốc hội được ban hành năm 2019 về di dời đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng lõi các vườn quốc gia. Theo nội dung của Nghị quyết này, hiện nay huyện đang tiến hành rà soát tiểu dự án 2, tức là sẽ quy hoạch 192 hộ ra khỏi vùng lõi đến tái định cư tại 3 khu vực mới gồm: Một khu tại xã Đức Bình, một khu tại xã Tân Sơn và một khu nữa là tại xã Thanh Bình. Cùng với đó sẽ đề xuất với tỉnh, ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho người dân vay vốn làm nhà và phát triển kinh tế. Theo lộ trình thì dự án này phải hoàn tất trong giai đoạn từ nay đến 2025”- ông Thông cho biết thêm.
Cũng nói về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Sau khi thành lập Vườn Quốc gia Bến En, theo quy định thì 517 hộ dân với hơn 2.100 nhân khẩu của 2 thôn thuộc 2 xã Hóa Quỳ và Tân Bình, huyện Như Xuân phải di dời khỏi rừng đặc dụng. Thế nhưng, do kinh phí quá lớn và vướng nhiều quy định nên tỉnh Thanh Hóa đã không thực hiện được, khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn trong suốt mấy chục năm qua.
“Cứu cánh duy nhất của người dân vùng lõi là Nghị quyết 88 của Chính phủ và Quyết định 264 của Tỉnh ủy Thanh Hóa mới được ban hành. Hiện, các phòng, ban chức năng đang tiến hành rà soát lại đất ở, đất sản xuất của bà con. Trên tinh thần, các Ban quản lý rừng phải giao lại đất và chính quyền thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân. Hi vọng, từ nay đến 2025, chúng tôi sẽ giải quyết xong các vấn đề đang tồn tại trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En”- ông Tuấn chia sẻ.
“Thật ra, người dân ở đây đều không muốn rời xa mảnh đất mà tổ tiên đã khai phá, gắn bó. Nhưng cứ kéo dài như thế này mãi, các thế hệ con cháu biết sống bằng gì, tương lai ra sao? Giá có tiền, chúng tôi đã chủ động chuyển đến nơi khác, mua đất làm nhà từ lâu chứ không phải mòn mỏi trông chờ…” - giọng bà Nộn như hụt hẫng, tan vào cơn giông cuối ngày.