Ngân hàng Thế giới kêu gọi xóa nợ 'toàn diện' cho các quốc gia có thu nhập thấp
Trước tình hình nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp, ngày 11/10 Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã khuyến nghị thực hiện một "kế hoạch xóa nợ toàn diện".
Tình hình nợ công ở các quốc gia có thu nhập thấp đã tăng lên 12%, đạt mức kỷ lục 860 tỷ USD vào năm 2020, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Ngày 11/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã kêu gọi một "kế hoạch toàn diện" để giải quyết vấn đề này.
Malpass cho biết những nỗ lực để chống lại đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm mức nợ công nhiều nước gia tăng và để giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi sự cứu trợ từ các bên cho vay. Ông nhấn mạnh: “Mức nợ bền vững là rất quan trọng để phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo”.
Tình hình đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) do các quốc gia G20 đưa ra vào đầu năm 2020, cho phép các quốc gia hoãn thanh toán nợ trong khi đối phó với đại dịch, hết hiệu lực vào cuối năm nay.
“Chúng tôi cần một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nợ công, bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nhanh hơn và cải thiện tính minh bạch”, Malpass quả quyết.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 11/10 đã cho thấy sự suy giảm của các chỉ số nợ xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới, cùng với đó là những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo chỉ ra nhiều nước đang phát triển bước vào năm 2020 trong tình thế dễ bị tổn thương, với nợ công nước ngoài vốn đã ở mức cao, cộng thêm việc ngay sau đó các chính phủ phải cung cấp những nguồn lực lớn chưa từng có để cố gắng ngăn chặn đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tăng cường hỗ trợ, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Trong năm 2020, dòng vốn ròng từ các chủ nợ đa phương đến các nước có thu nhập thấp và trung bình đã tăng lên 117 tỷ USD, “mức cao nhất trong một thập kỷ”. Dòng nợ ròng từ nợ công nước ngoài đổ vào các quốc gia có thu nhập thấp đã tăng 25% lên 71 tỷ USD, cũng là mức cao nhất trong một thập kỷ.
“Rủi ro bây giờ là có quá nhiều quốc gia sẽ xuất hiện sau cuộc khủng hoảng Covid-19 với một khoản nợ lớn mà có thể sẽ mất nhiều năm để xoay sở,” Malpass tuyên bố trong một báo cáo.
Năm 2019, nợ của 73 quốc gia kém phát triển nhất thế giới đã tăng 9,5%, lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD. Chủ nợ của nhóm nước này đa phần là các nước G20, chiếm tới 178 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với tổng khoản nợ chiếm tới 63%.
Carmen Reinhart, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Các nền kinh tế trên toàn cầu phải đối mặt với một thách thức khó khăn do mức nợ cao và tăng nhanh chóng mặt”.