Giải pháp chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh mới

P.V 12/10/2021 10:30

Sắp tới, ngày 13/10/2021 Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức chương trình Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” tại Hà Nội.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP.

Trong vài thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng từ 114 USD vào năm 1990 đến 2.587 USD vào năm 2018 như là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình. Do đó, trước bối cảnh nhu cầu về năng lượng tăng lên nhanh chóng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện và nâng cấp hạ tầng ngành năng lượng trong đó phải kể đến Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” được tổ chức với mục tiêu đưa ra các giải pháp phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng, đồng thời đưa ra các giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năng lượng Việt Nam. Tới tham dự chương trình có sự góp mặt của: Đ/c Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Trần Đình Thiện – Chuyên gia Kinh tế; Đ/c Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Đ/c Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E – EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ; Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện Khoa học công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Ông Hà Đăng Sơn – Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II), cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp về năng lượng, cơ quan thông tấn báo chí.

Đây là cơ hội quý báu để các lãnh đạo cơ quan, bộ, ban ngành của Đảng và Nhà nước gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết, đóng góp cho sự phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

P.V