Tái cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh, số hóa

H.Vũ 13/10/2021 07:00

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Những vấn đề mới đã được đặt ra.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra 5 quan điểm. Theo đó, tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016- 2020; cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa; lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Thẩm tra báo cáo trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, thì một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới như: Lấy liên kết vùng làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Tăng trưởng dựa vào tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần bổ sung thêm việc nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên; phát triển đô thị, kinh tế đô thị; thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy các nỗ lực cải cách kinh tế trong nước, sử dụng và phân bổ các nguồn lực hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, số doanh nghiệp giải thể đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng cho toàn giai đoạn cho nên mục tiêu, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới cần khả thi, đảm bảo tính bền vững.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, hiệu quả của công tác phòng dịch có ảnh hưởng tới kết quả phát triển kinh tế. Do đó chúng ta cần điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững rõ nét theo mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa và môi trường; thích ứng với biến đổi khó lường của tình hình thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần gắn với chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế, gắn với tính tự chủ của nền kinh tế. Trọng “cung” nhưng phải “kích cầu”. Nghĩa là kích thích các yếu tố phát triển nhưng cần chú trọng đến kích cầu, chú trọng cả tổng “cung” và tổng “cầu”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, đưa tiền vào đâu để tiêu, kích thích được. Cải thiện yếu tố để tăng năng lực hấp thụ vốn, giải quyết các dự án treo, dự án chậm tiến độ. Tái cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh hơn, số hóa.

H.Vũ