Tuyển sinh trường nghề: Khó chồng khó
Trong khi nhiều trường đại học (ĐH) đã tuyển sinh xong, không cần thêm các đợt xét tuyển bổ sung thì phần lớn các trường cao đẳng (CĐ), kể cả các trường top đầu vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Ngành “hot” cũng thiếu
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Việt Anh - cán bộ tuyển sinh Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đang tuyển sinh đợt 4 với khoảng 300 chỉ tiêu trên tổng số 1.500 chỉ tiêu cho khối CĐ. Riêng hệ 9+, tình hình tuyển sinh tuy khả quan hơn năm 2020 nhưng cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nhìn nhận năm nay là năm khó khăn với các trường trong hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, ông Việt Anh cho biết ngay cả các ngành hot nhất của trường là công nghệ ô tô, điện, cơ khí, cơ điện tử,… cũng vẫn thiếu chỉ tiêu. Theo kế hoạch nhà trường sẽ chốt danh sách nhập học vào ngày 31/12 hàng năm, sau đó là khóa học mới.
Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội thông tin, tính đến thời điểm này trường tuyển sinh được 70%. Cụ thể, trong tổng chỉ tiêu là 1.600 học sinh, trường đã tuyển được gần 1.200. Có 3 khoa gần đạt chỉ tiêu là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin và Chăm sóc sắc đẹp. Còn một số khoa khác khó khăn hơn như khoa Ngoại ngữ Kinh tế, khoa Cơ khí và khoa Điện điện tử mới đạt 80% và thấp hơn.
“Tuyển sinh của trường nghề 2 năm vừa rồi vất vả. Từ tâm lý của người dân vẫn coi trọng việc học đại học nên học nghề lép vế, nếu tăng cường truyền thông trực tiếp được thì hiệu quả sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên việc đến các trường tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh thực hiện được rất ít nên khó tác động tới thí sinh và phụ huynh hơn. Trường chỉ thực hiện được một vài chương trình tư vấn trực tiếp với tuyển sinh 9+ còn lại khá bị động”- ông Nguyễn Yên Thắng (Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội) nhìn nhận.
Một thực tế nữa ông Thắng chỉ ra, đó là số sinh viên bỏ học giữa chừng vì lý do dịch bệnh khó khăn trong 2 năm gần đây của nhà trường khá cao, lên tới 600-700 sinh viên. Khi trường mới được huy động làm khu cách ly tập trung thì sinh viên phải đi thuê nhà đắt đỏ nên nhiều em quyết định trở về quê nhà luôn. Việc học trực tuyến trong học nghề cũng khiến nhiều học sinh không mặn mà, sau đó bỏ ngang là có thật. Dịch bệnh khiến kinh tế nhiều gia đình ở nông thôn hay thành thị đều lao đao, không tiếp tục theo học được… Vô vàn lý do khiến nhà trường thiếu hụt sinh viên dù ban đầu tuyển gần đủ chỉ tiêu.
Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cũng cho hay năm nay trường tuyển khoảng 500 chỉ tiêu, nhưng hiện mới đạt khoảng 60%. Còn đại diện Trường CĐ Viễn Đông cho biết, ở bậc CĐ, trường mới “gọi” được 70% chỉ tiêu. So với năm 2020, năm nay rõ ràng có chậm hơn.
Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy, tính đến ngày 1/9, số thí sinh học trình độ CĐ trên địa bàn thành phố mới chỉ tuyển được 19.827/45.000 chỉ tiêu, đạt 44,06%, trong khi trình độ trung cấp là 9.980/36.000 chỉ tiêu, đạt 27,72%. Tính các bậc học nói chung thì số lượng tuyển được năm nay giảm khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn có tâm lý học nghề chống trượt
Dù những năm qua, nhận thức của người dân đã dần đổi mới song việc lựa chọn học CĐ vẫn chưa phổ biến mà nhiều khi là giải pháp tình thế nếu trượt ĐH.
Trong tình hình mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT trong khi các trường ĐH đã vét tới khoảng hơn 70.000 chỉ tiêu, rồi các thí sinh đi du học, đi lao động tự do, học nghề… Vậy thì còn bao nhiêu cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nữa?
Với số lượng cơ sở GDNN cả nước có khoảng 1.900, trong đó có khoảng gần 500 trường cao đẳng. Vậy nếu chia bình quân cho mỗi trường thì mỗi trường có bao nhiêu sinh viên là con số có thể nhìn thấy ngay. Tất nhiên, khi những trường top đầu tuyển sinh tốt, đủ - gần đủ chỉ tiêu thì những cơ sở khác sẽ bị hụt, chật vật trong tuyển sinh là điều dễ lý giải.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho hay, đối với học nghề, thời gian học thực hành rất quan trọng. Với việc học trực tuyến nhiều do tình hình dịch bệnh 2 năm qua, các trường nghề càng khó thu hút sinh viên. Ngay chính các trường nghề cũng không khỏi lo lắng bởi ngay cả khi có điều kiện thực hiện đào tạo “3 tại chỗ” như một số trường CĐ trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, với một số lớp học thay vì toàn bộ học sinh. Trong khi đó, yêu cầu thực hành, cọ sát với nghề, thực tập tại doanh nghiệp rất quan trọng với các sinh viên trường nghề.
Vì vậy, việc linh hoạt trong việc giảng dạy, đào tạo và lên kế hoạch để tận dụng tối đa thời gian vàng khi trở lại trường học để thực hành, thực tập là kế hoạch các trường đang đề ra.