Đường không vỉa hè
Hải Phòng đang mạnh mẽ chuyển mình thành đô thị thông minh, hiện đại. Tuy nhiên, tại “vùng lõi” khu vực đô thị cũ vẫn còn nhiều tuyến phố không có vỉa hè.
Những tuyến phố không vỉa hè
Đường phố Tô Hiệu, quận Lê Chân (Hải Phòng) được khai mở trước năm 1954, là tuyến phố, mạch giao thông chính của nội đô TP Hải Phòng về thương mại, dịch vụ. Tuyến phố cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính thuộc UBND quận Lê Chân. Tuy nhiên, tuyến phố này có đặc điểm khá “lạ”, mặc dù có chiều dài hơn 1.800 m, nhưng rất nhiều đoạn đường của tuyến phố này như khu vực ngã 4 Cột Đèn, khu vực gần Nhà thờ Hội thánh Tin Lành Hải Phòng, khu vực gần trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng không có vỉa hè. Những nhà dân mặt đường dọc tuyến phố mở cửa là bước xuống đường.
Đường phố Đà Nẵng là một trong những tuyến đường dài nhất của TP Hải Phòng, nối khu vực trung tâm với QL5. Khu vực này có cơ quan hành chính quận Ngô Quyền, Trung tâm Nghiên cứu Biển cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa nhưng cũng trong tình trạng nhiều đoạn phố cả hai bên đường không có vỉa hè.
Đặc biệt hơn cả, phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền) dài khoảng 2.820 m, đây là tuyến phố cửa ngõ của Hải Phòng với Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với khu du lịch Đồ Sơn cũng như Sân Bay Cát Bi. Tập trung trường đại học, Cung văn hoá, Nhà thiếu nhi, Thư viện thành phố,… Tuy nhiên, từ khu vực ngã tư Quán Bà Mau đến khu vực Cung văn hoá Việt - Tiệp, cả đoạn phố dài, hai bên phố nhiều đoạn không có vỉa hè hoặc có vỉa hè cũng chỉ rộng vài chục xen-ti-mét. Đoạn từ Ngã tư Quán Bà Mau đến trước trụ sở Hội Chữ thập đỏ TP Hải Phòng cũng trong tình trạng nhà mặt phố bước thẳng xuống đường.
Bà Phạm Hải S., người dân ở phố Tô Hiệu cho hay, hàng ngày vẫn đi bộ đón cháu đi học qua đường Tô Hiệu, vào giờ cao điểm, đường rất đông xe và dễ ách tắc. Do đường không có vỉa hè, phải đi hẳn xuống lòng đường và phải bế cháu lên mới dám đi nhưng rất sợ xảy ra va chạm.
Anh Nguyễn Đ., nhà tại quận Hải An thường ngày vẫn lưu thông qua khu vực ngã tư Quán Bà Mau than thở, một số nhà mặt đường khu vực này phục vụ buôn bán, xe máy của khách, của nhân viên để nửa trong nhà, nửa dưới lòng đường. Thậm chí nhiều hộ dân còn bày bán hàng hoá xuống cả lòng đường khiến ách tắc, không đảm bảo an toàn giao thông.
Thiếu nguồn lực đầu tư
Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè còn là không gian cây xanh, thảm cỏ; nơi bộ hành của người đi bộ, thể hiện đặc trưng các khu vực đô thị, phù hợp với phát triển và văn minh đô thị. Tuy nhiên, phố không vỉa hè khiến những quy hoạch này không thực hiện được.
Năm 2019, TP Hải Phòng thực hiện việc mở rộng 9 nút giao thông trọng điểm nội đô. Tại những khu vực này, nhiều đoạn vỉa hè đã bị thu hẹp, chỉ còn hành lang, lối đi hẹp cho người đi bộ. Chính vì thế, người dân ở các nút giao này phải sống trong cảnh một bước từ nhà xuống đường.
Tình trạng trên không chỉ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông mà những người dân sống ở khu vực quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn sửa chữa, xây dựng. Bởi vậy, hầu hết những nhà ở tại khu vực này đều không được chỉnh trang, nhiều hộ dân còn lấy luôn lòng đường làm nơi buôn bán, để xe máy.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Lê Chân cho biết, theo Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 13/10/2013 của UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Lê Chân, tuyến đường Tô Hiệu được quy hoạch có mặt cắt 24 m, vỉa hè mỗi bên 5 m. Tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí nên tuyến phố này vẫn giữ nguyên hiện trạng. Một số đoạn của tuyến phố trước đây cũng có vỉa hè. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng lòng đường để nâng cấp năng lực vận tải nên vỉa hè cũ đã bị cắt làm đường. Để thực hiện quy hoạch tuyến đường này cần có nguồn lực lớn mới có thể giải phóng mặt bằng, làm đường, chỉnh trang đô thị.
Ông Bùi Nguyên Hà, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền cũng cho biết, các tuyến phố Đà Nẵng, Lạch Tray đã có quy hoạch mở rộng đường, do thành phố chưa bố trí được ngân sách nên trước mắt, chỉ những đoạn phố có vỉa hè mới được đầu tư cải tạo sửa chữa.