Giảm tải kiến thức cần đồng bộ
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có văn bản về việc giảm tải chương trình các cấp để phù hợp với tình hình học trực tuyến của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, do không có văn bản hướng dẫn cụ thể mà để các trường linh hoạt lựa chọn nội dung giảm tải khiến việc triển khai chưa được đồng bộ.
Cụ thể, thời lượng giảm tải theo quy định ở lớp 1, lớp 2 chỉ còn 15 tiết/tuần, các khối lớp khác là 20 tiết/tuần. Mỗi trường có một phương án được đưa ra để phù hợp với việc dạy và học của mình. Chẳng hạn, với tiết học thực hành, làm thí nghiệm hay thảo luận nhóm thường được đưa vào “tầm ngắm” giảm tải của giáo viên bởi khó thực hiện trong điều kiện dạy học trực tuyến…
Song thực tế, theo chia sẻ của một giáo viên dạy lớp 1 đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, để khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 đọc thông, viết thạo thì công việc của giáo viên và phụ huynh vẫn không hề giảm tải chút nào. Bởi nếu cô giảm giờ dạy xuống 1 giờ thay vì 2 giờ thì phần việc phụ huynh ở nhà dạy con sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu bỏ qua bài học, đồng nghĩa với việc con không biết âm, vần đó hoặc không thành thạo thì sau này khi kết thúc năm học, phần đó con sẽ chưa nắm được. Trong khi chương trình lớp 2 là dạy nối tiếp, không dạy những bài lớp 1 đã giảm tải hoặc mỗi trường giảm tải các bài không giống nhau dẫn đến việc học sinh ở các trường khác nhau nếu chuyển trường sẽ rất khó khăn.
Điều này đối với các lớp trên, đặc biệt là các lớp cuối còn khó hơn vì liên quan đến việc thi cử. Liệu sau này liệu bộ, sở… có ra vào các phần nhà trường, giáo viên tự giảm tải hay không? Đây cũng là băn khoăn của cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bởi đã có năm Bộ GDĐT ra đề thi tốt nghiệp THPT vào phần thuộc chương trình giảm tải đã công bố trước đó. Vì vậy, cả thầy và trò đều lo lắng không muốn giảm tải dù đã có chỉ đạo tinh giản chương trình của Bộ GDĐT.
Bà Trần Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, phòng cũng chỉ đạo các trường chỉ dạy các kiến thức cơ bản nhất và lựa chọn những nội dung quan trọng nhất để truyền tải cho học sinh. Còn đối với những môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… các trường cũng tóm gọn các nội dung lại để phù hợp với thời lượng học tập theo quy định.
Việc để các trường để ngỏ nội dung giảm tải cụ thể vừa tạo thuận lợi cho các trường chủ động nội dung giảm tải song cũng là cái khó nếu các trường không có đội ngũ giáo viên tốt. Thậm chí, nếu làm không đúng sẽ khiến việc cắt giảm chỉ mang tính cơ học, thậm chí cắt giảm phải những bài học quan trọng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của các bài học sau cũng như thi cử sau này bị ảnh hưởng…
Vì vậy, mong muốn của nhiều trường đó là Bộ GDĐT có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc giảm tải chương trình theo hướng tinh gọn, khoa học thay vì để các trường cắt giảm cơ học một vài bài học nào đó. Đi kèm với đó là hướng dẫn thi cử để giáo viên yên tâm thực hiện đúng tinh thần giảm tải thay vì vừa dạy vừa lo nhỡ sau này thi vào sẽ thiệt thòi cho học sinh của mình.