Gò Công Tây bật dậy sau Covid
Sau hơn 50 ngày không xảy ra ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã từng bước nới lỏng “vùng xanh” để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khi phát hiện ca F0 đầu tiên trên địa bàn huyện Gò Công Tây vào ngày 6/7/2021, và kể từ ngày 17/8 đến nay, huyện đã không xảy ra ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, dù được đánh giá là huyện “vùng xanh” nhưng lãnh đạo địa phương luôn trong tâm thế chủ động, phòng ngừa, lường trước mọi tình huống khi nới lỏng giãn cách, từ đó đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân vẫn còn thấp.
Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn thì lãnh đạo huyện nhận thức rõ trong một thời gian dài giãn cách xã hội rất dễ dẫn đến tâm lý người dân sẽ chủ quan, thoải mái khi nới lỏng giãn cách xã hội. Vì thế, việc chuẩn bị các phương án chi tiết, chặt chẽ để bảo vệ “vùng xanh” rất được chú ý.
Bên cạnh việc không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19, huyện Gò Công Tây cũng đã cho mở lại các hoạt động dịch vụ, kinh doanh tuần tự và lần lượt, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi mở cửa.
Điều quan tâm đầu tiên của huyện khi mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch; tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện, nhất là các dự án có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các Cụm công nghiệp Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Nhà máy xử lý rác thải Bình Tân.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; thực hiện tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của hợp tác xã, tổ hợp tác. Huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy Tiền Giang, kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Là một huyện vùng sông nước Tây Nam bộ, Gò Công Tây luôn biết tận dụng khả năng liên kết không chỉ trong phạm vi tỉnh Tiền Giang mà với nhiều địa phương khác vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng chính vì thế, huyện có nhiều ưu tế khi khôi phục và phát triển kinh tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cùng với phát triển kinh tế là an sinh xã hội. An sinh ở đây trước hết là với người dân nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong những tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, không người dân Gò Công Tây nào bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói. Hoạt động của lãnh đạo địa phương cũng như các nhà hảo tâm, cùng tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã giúp người nghèo vượt qua đại dịch.
An sinh xã hội cũng là cách để phát triển kinh tế. Muốn thế, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, lãnh đạo huyện Gò Công Tây đã tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để có thêm nguồn lực về vốn vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay Gò Công Tây đã đạt 4/9 tiêu chí. Ngay khi trở thành huyện “vùng xanh”, các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ với huyện để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình xây dựng nông thôn mới.