Làm thế nào để ngành khoa học cơ bản thoát cảnh trầy trật tuyển sinh?
Trong khi các ngành hot thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển thì nhiều nhóm ngành thuộc lĩnh vực như khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp lại khát thí sinh.
Đó là nghịch lý tồn tại trong những nhiều năm trở lại đây. Khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc những ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản cần có nhiều Chính sách đãi ngộ hơn như đối với ngành sư phạm để hút người học.
Nhập học vì điểm trúng tuyển thấp
Xu hướng lựa chọn ngành “hot” khiến điểm chuẩn năm nay ở một số nhóm ngành tăng đột biến, nhiều thí sinh có mức điểm 26, 27 nhưng trượt tất cả các nguyện vọng. Ngược lại, ở một số nhóm ngành như môi trường, khí tượng thủy văn, địa chất, tài nguyên nước, nông lâm nghiệp… dù mức điểm xét tuyển thấp nhưng thí sinh vẫn không mấy mặn mà.
Ở nhóm ngành về nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng…, tại một số trường như Trường ĐH Lâm Nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh…, mức điểm chuẩn chỉ 15, 16 điểm đã trúng tuyến. Tương tự, tại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh, các ngành truyền thống của các trường này như thủy văn học, khí tượng và khí hậu học, kỹ thuật trắc địa bản đồ, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên và môi trường... cũng chỉ lấy 15 điểm.
Năm nay, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ở mức 18 điểm. Dù mức điểm đầu vào không cao so với các ngành học khác của trường nhưng theo TS Nguyễn Kim Cương, Phó trưởng Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, khoa vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu đề ra, chỉ đạt ở mức 58/100 chỉ tiêu.
Dù các ngành khoa học truyền thống của Trường ĐH Thủy Lợi như kỹ thuật tài nguyên nước, cấp thoát nước thoát nước, công trình thủy, môi trường thủy văn… năm nay tuyển sinh tốt hơn năm ngoái nhưng bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên nhìn nhận, lượng thí sinh đăng kí vào các ngành học này vẫn ở con số khiêm tốn.
Trong khi các ngành khoa học cơ bản này, thị trường rất cần các kỹ sư, chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước thì 5 năm trở lại đây rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Theo bà Giang, thực tế hiện nay, thí sinh đăng ký vào các ngành học này không hẳn vì yêu thích mà đa phần là do lấy điểm trúng tuyển thấp, có những em đỗ ở nguyện vọng 4, 5.
Cần Chính sách đãi ngộ như sinh viên sư phạm
TS Nguyễn Kim Cương chỉ ra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành khoa học cơ bản. Thực tế, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp những ngành này khi ra trường đều có việc làm ngay. Theo ước tính, hằng năm các sinh viên theo học ngành này thường nắm bắt cơ hội như: ra nước ngoài học lên thạc sĩ, tiến sĩ; làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc có thể làm việc tại một số công ty nước ngoài theo chuyên ngành đã được đào tạo, hoặc chuyển ngành khác tùy theo mức đãi ngộ.
Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra các kiến thức mới. Các kết quả của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó Chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước. Nghịch lí là những học sinh giỏi lại không thích thi vào các khối ngành nòng cốt này.
TS Cương cho rằng, thực trạng này sẽ dẫn tới thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kế cận. Đây cũng là một vấn đề nan gian cần phải có những giải pháp thiết thực trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.
Về vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Chín, Trưởng Khoa Kỹ Thuật tài nguyên nước, kiêm Viện trưởng Viện kỹ thuật tài nguyên nước, Trường ĐH Thủy Lợi phân tích, hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, cấp thoát nước và kỹ thuật cơ sở hạ tầng để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như hạn hán, lũ lụt, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, ô nhiễm, phát triển bền vững các ngành kinh tế là rất lớn.
Mặc dù hằng năm nhiều doanh nghiệp đặt hàng nhà trường giới thiệu sinh viên, kỹ sư giỏi sau khi ra trường nhưng không đủ nguồn cung. Trong khi thị trường rất cần nhân sự với những ngành đặc thù thì những ngành học này lại khó tuyển sinh.
Trước thực tế này, theo PGS. TS Chín, để thu hút thí sinh đến với các ngành khoa học kỹ thuật truyền thống, những năm qua, nhà trường đã có đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, trường cũng đưa ra nhiều chương trình học bổng, hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường có việc làm, thậm chí có ngành học cam kết 100% ra trường có việc làm.
Tuy nhiên, về lâu dài, PGS. TS Chín cho rằng, Nhà nước nên đưa ra các biện pháp cụ thể, Chính sách đãi ngộ như đối với sinh viên các trường sư phạm hoặc có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí để làm sao thu hút được nhiều sinh viên theo học.
Theo bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy Lợi, cũng giống như ngành sư phạm, Chính sách đãi ngộ đối với sinh viên khối ngành khoa học cơ bản cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường mới là điều người học quan tâm. Bên cạnh đó, phải có chiến lược truyền thông để người học hiểu tầm quan trọng của những nhóm ngành nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước. Có như vậy, người học mới đến với nghề bằng tình yêu và đam mê chứ không phải vì do điểm đầu vào thấp.