Phát triển chăn nuôi đàn bò thịt
Những năm gần đây, dịch bệnh thường xuyên xuất hiện ở các loại gia súc, gia cầm, đặc biệt là lợn gây nhiều thiệt hại.
Thêm vào đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn thời gian chăn nuôi, thu hoạch của người nông dân. Vì thế, chăn nuôi đại gia súc (bò sữa, bò thịt, trâu…) được xem là hướng đi tạo đột phá trong phát triển kinh tế đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2021, đàn bò ở Việt Nam có khoảng 6,3 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt đạt 3,15kg/người/năm và duy trì mức tăng trưởng 5-6%/năm. Do sản lượng thịt bò chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên lượng bò thịt và thịt bò nhập khẩu hàng năm vẫn liên tục tăng nhanh.
Năm 2020, số lượng bò sống nhập khẩu về Việt Nam để giết mổ lấy thịt là 106.000 tấn, tăng 30% so với năm 2019. Cả nước hiện có hơn 2,3 triệu hộ nuôi bò thịt, trong đó trên 2 triệu hộ nuôi dưới 5 con/hộ, chăn nuôi quy mô trên 20 con/hộ chiếm 0,21% tổng số hộ nuôi bò thịt. Nhiều trang trại nuôi bò với quy mô hàng ngàn con ở Hà Nội, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh… nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, sản lượng chăn nuôi đại gia súc của Việt Nam còn rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, tổng sản lượng thịt đại gia súc các loại của Việt Nam 1 năm, chỉ khoảng 330.000 tấn, trong khi đó, lượng thịt tiêu thụ trong cả nước khoảng 5 triệu tấn. Đối với sản phẩm về sữa, hiện cả nước mới có khoảng 300.000 con bò sữa, sản lượng 960.000 tấn; bình quân sử dụng sữa đạt khoảng 20 lít/người/năm,trong khi đó mức trung bình của thế giới là 81 lít/người/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá tại Việt Nam còn dư địa rất lớn để phát triển đàn gia súc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để làm được, cần rất nhiều vốn và quỹ đất đủ rộng. Về việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành cũng như kiến nghị nhiều chính sách như dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi bò thịt, ưu tiên giao đất, thuê đất cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung. Những diện tích nông nghiệp hiệu quả thấp sẽ chuyển sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030”. Theo chiến lược này, Chính phủ có nhiều ưu tiên cho chăn nuôi đại gia súc. Cụ thể, Chính phủ sẽ cho phép các địa phương chuyển phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp, sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 - 1,0 triệu ha.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, điện, nước và xử lý môi trường cho cơ sở sản xuất giống, cơ sở giết mổ. Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở xây dựng các trung tâm hội chợ, chợ đầu mối tiêu thụ, sàn thương mại điện tử. Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện vay vốn theo chính sách ưu đãi của nhà nước để hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đầu tư con giống, trang trại, đổi mới công nghệ…
Cơ hội về một thị trường chăn nuôi bò thịt trong nước là rất rõ ràng, còn nhiều dư địa để phát triển.