Tìm đầu ra cho quả sơn tra
Cây sơn tra là cây trồng đa mục tiêu ở vùng cao tỉnh Sơn La, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phủ xanh đất rừng. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá quả sơn tra liên tục xuống thấp, khó tiêu thụ.
Chị Kháng Thị Mai ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Cây sơn tra đã có mặt ở bản hàng trăm năm qua, nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, quả sơn tra nơi đây khi chín không chỉ phớt hồng như những nơi khác, mà khi chín có màu đỏ ửng, ăn giòn, nhiều nước, có vị chua ngọt độc đáo mà không chát.
Sau gần 10 năm phát triển, đến nay gia đình có 5 héc ta trồng sơn tra, cho thu nhập bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng. Kinh tế của gia đình hàng năm phụ thuộc hoàn toàn vào cây sơn tra, gia đình mua được xe máy, cho con cháu đi học cũng nhờ vào cây sơn tra. Hiện gia đình đang tiếp tục mở rộng diện tích cây sơn tra, phấn đấu đạt 10 héc ta trong vài năm tới.
Nằm ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, bản Nậm Nghiệp có khí hậu sương mù quanh năm, thích hợp với việc trồng và phát triển cây sơn tra. Hơn nữa, được Đảng, Nhà nước quan tâm, từ 20 héc ta trồng sơn tra ban đầu, đến nay bản Nậm Nghiệp đã phát triển thêm hơn 300 héc ta trồng cây sơn tra với giá bán ổn định nhiều năm trước từ 10 - 15 ngàn đồng/ 1 kg.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, quả sơn tra liên tục xuống giá, thậm chí năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù giá quả sơn tra xuống chỉ còn 3 ngàn đồng 1kg, nhưng tiểu thương không đến mua, bà con cũng không vận chuyển quả đi được nên quả chín không ai thu hoạch, đành để rơi đầy dưới gốc cây.
Ông Thào A Vạng, Trưởng bản Nậm Nghiệp nói, bây giờ bà con dân bản mong muốn Nhà nước sẽ có biện pháp để thu mua quả sơn tra; thứ 2 là mong muốn giao thông được thuận lợi, vì bây giờ khó khăn nhất là đường đi lại.
Huyện Mường La, tỉnh Sơn La có hơn 2.200 héc ta trồng cây sơn tra, chủ yếu tại các xã vùng cao, trong đó hơn 1.600 héc ta đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 6.800 tấn. Việc tiêu thụ quả sơn tra của huyện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các xã vùng cao, có độ ẩm lớn nên không thể sấy khô, bảo quản quả tại chỗ. Toàn huyện cũng chỉ có 2 cơ sở có kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, việc tiêu thụ quả sơn tra vẫn phụ thuộc vào các thương lái với giá cả bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Trước những khó khăn trong tiêu thụ quả sơn tra, huyện đã tích cực phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm.
Qua nhiều năm, cây sơn tra đã khẳng định giá trị kinh tế, góp phần mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và phủ xanh đất rừng. Song, để cây sơn tra phát triển bền vững, huyện Mường La đã xác định cần hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững…
Huyện Mường La, tỉnh Sơn La có hơn 2.200 héc ta trồng cây sơn tra, chủ yếu tại các xã vùng cao, trong đó hơn 1.600 héc ta đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 6.800 tấn.