Bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt sự phát triển của công nghệ với các nền tảng mạng xã hội nhiều tiện ích đã ít nhiều tác động đến hành vi, lối sống của nhiều cộng đồng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ, cần có chiến lược để bảo tồn, phát triển.
Quả thực, nếu đặt chân tới các vùng miền, tiếp xúc với bà con các DTTS mới thấy, ngôn ngữ bản địa đã có quá nhiều thay đổi. Có những tộc người, giới trẻ hầu như chỉ nói tiếng Kinh, “chat chit” qua mạng xã hội cũng bằng tiếng Kinh.
Sau gần 40 năm điền dã đến các vùng sâu, vùng xa khắp đất nước, PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết, có tình trạng một số dân tộc rất ít người sử dụng pha trộn các ngôn ngữ khác nhau như người Chứt vừa nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt và tiếng Lào; người Lô Lô nói tiếng bản ngữ, tiếng Việt và tiếng Hoa, thậm chí người Ơ Đu, người Xing Mun bỏ tiếng mẹ đẻ mà chuyển sang tiếng Việt và tiếng Thái.
Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 cũng cho thấy, có 88,7% người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc. Tuy vậy, sau 4 năm, từ 2015 - 2019, tỷ lệ này đã giảm 7,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,8%. Theo nhóm tuổi, người DTTS biết nói tiếng dân tộc cũng giảm dần. Ở nhóm 65 tuổi trở lên có 92,8% nói được tiếng dân tộc; ở nhóm dưới 18 tuổi, tỷ lệ này chỉ còn 58,6%. Trong 53 DTTS, dân tộc Ngái có tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng DTTS thấp nhất 30,5%. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc khá thấp, chỉ là 15,9%, so với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm 0,9%, bình quân mỗi năm giảm 0,2%.
Những con số ấy cho thấy, nếu không nhanh chóng và quyết liệt có những biện pháp tích cực, thì thực trạng trên sẽ không những không khắc phục được mà có nguy cơ trầm trọng hơn.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ, các đơn vị chuyên môn đã bổ sung các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc - tiếng phổ thông để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ…
Tuy nhiên, vẫn cần thúc đẩy hành động bảo tồn ngôn ngữ DTTS nhiều hơn nữa. Trong đó, bên cạnh một số ngôn ngữ DTTS như Mông, Thái, Chăm, Khơ Me, Xơ Đăng… đã được đưa vào giảng dạy ở 30 tỉnh, thành phố dưới các hình thức khác nhau, đồng thời, các ngôn ngữ này từng bước được sử dụng trên VOV4 và VTV5 thì cũng cần đưa những ngôn ngữ khác vào giảng dạy và sử dụng trên đài phát thanh nhằm góp phần bảo vệ một “bảo tàng sống” độc đáo, góp phần thúc đẩy du lịch…